Vì sao giá vàng tăng cao vô lý?

Thị trường vàng trong nước hiện nay đang không có sự liên thông với thế giới, liên tục tăng và đã chạm ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, cao nhất từ đầu năm đến nay, bất chấp giá vàng thế giới giảm so với thời điểm tháng 4, tháng 5.

Không thể phủ nhận từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ, không còn cơn sốt giá vàng miếng, ngăn chặn được tình trạng vàng hóa... Nhưng ở chiều ngược lại, tình trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới đã tồn tại nhiều năm nay và giá vàng SJC hiện cao hơn thế giới đến 14 -15 triệu đồng/lượng, tùy từng thời điểm.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24 để chấm dứt tình trạng giá vàng trong nước "một mình một chợ".

Chênh lệch lớn với giá vàng thế giới

Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch ngày 12/10 đã chạm ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ đầu năm đến nay bất chấp giá vàng thế giới đã rớt từ ngưỡng hơn 2.000 USD/oz hồi tháng 4, tháng 5/2023 xuống còn khoảng 1.860 USD/oz như hiện nay.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến 14 - 15 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước bao gồm 2 loại sản phẩm chính là vàng SJC độc quyền thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và vàng dưới dạng trang sức, đóng vỉ của các doanh nghiệp khác.

Trao đổi với VnBusiness, các chuyên gia cho rằng sở dĩ giá vàng SJC tăng nhanh là do từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, công ty SJC không được sản xuất thêm vàng miếng mà chỉ được dập lại các miếng vàng móp méo, chưa kể vàng miếng SJC còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Do nguồn cung không dồi dào nên chỉ cần lực mua nhỏ, khoảng vài trăm lượng là giá vàng miếng SJC lập tức bị đẩy lên. Bên cạnh đó, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, các doanh nghiệp lại phòng thủ, dự trữ vàng nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên chạm mốc 70 triệu đồng/lượng như chốt phiên giao dịch ngày 12/10.

Theo ghi nhận, trong khoảng 3 tháng gần đây, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng và đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 14,43 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng nhẫn 9999 là 12,7 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng mức chênh lệch này không phản ánh đúng chiều hướng giá vàng thế giới - vốn theo chiều hướng giảm từ tháng 5/2023 đến nay.

Đồng tình, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng nhận định, giá USD thời gian qua tăng ảnh hưởng đến giá vàng, song biến động của tỷ giá không quá lớn, do đó nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC cao kỷ lục từ đầu năm đến nay là do yếu tố tâm lý. Nguồn cung khan hiếm cũng dẫn tới giá vàng trong nước tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới.

Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, ông Nguyễn Đức Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải cho rằng yếu tố khiến giá vàng tăng là do những bất ổn địa chính trị từ cuộc chiến Israel-Hamas. Đồng thời, quý IV hàng năm, các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt ở châu Á, thường mua vàng vào để chuẩn bị cho mùa Tết âm lịch. Vì vậy, giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước tăng.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước đang “một mình một chợ”, các chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng đầu tư thời điểm này vì rủi ro rất lớn. Ông Lê Minh Chiến, chủ tiệm vàng Minh Tín (đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, mặc dù giá có biến động, nhưng giao dịch trên thị trường hiện khá trầm lắng. Sức mua bán của thị trường vàng đã yếu đi và người dân không còn mặn mà với vàng, kể cả khi giá tăng cao.

“Vàng miếng SJC vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng và gần như đang nằm trong tay giới đầu cơ. Chỉ cần các nhóm đầu cơ bán ra chốt lời là giá vàng SJC có thể giảm vài triệu đồng/lượng. Vì thế, tại thời điểm này, người dân mua vàng SJC để cất giữ có thể gặp rủi ro. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng nhẫn 9999 nhiều hơn nhưng do nguồn cung khá dồi dào nên giá vàng nhẫn 9999 không tăng mạnh”, ông Chiến nói.

Trung bình mỗi năm, lượng vàng vật chất tiêu thụ trong nước khoảng 50-60 tấn. Con số này đã giảm trong 2 năm Covid-19, phục hồi trở lại năm 2022, song khả năng sẽ giảm 10-20% trong năm nay do kinh tế khó khăn.

Nên bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng?

Theo nhận định của giới phân tích, giá vàng từ nay đến cuối năm 2023 còn tăng do căng thẳng chính trị vẫn kéo dài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay... Vì vậy, giá vàng thế giới có thể chinh phục trở lại ngưỡng 1.900 - 2.000 USD/oz, tiếp tục thúc đẩy giá vàng trong nước tăng theo.

Trước tình trạng giá vàng trong nước luôn “một mình một chợ”, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc NHNN sửa Nghị định 24.

Ông Hùng kiến nghị, NHNN nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Đặc biệt, cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng.

Liên quan đến vấn đề này, NHNN vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội.

Theo đó, NHNN cho biết đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

NHNN cũng báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Tại cuộc họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN cho biết, nhiều ý thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.

“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết)”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/vi-sao-gia-vang-tang-cao-vo-ly-1095946.html