Vì sao giếng Vua trăm tuổi có khả năng 'nuốt' cổ vật?

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có một di tích lịch sử kỳ bí là giếng Vua. Đây là một giếng cổ có tuổi thọ hơn 200 năm tuổi và có những khả năng huyền bí mà cho đến nay người dân xứ đảo vẫn là bí ẩn.

Giếng Vua được đồn thổi bây lâu còn gọi là giếng Xó La, tọa lạc tại khu dân cư số 3, thôn Đông, xã An Hải.

Giếng Vua “nuốt” cổ vật?

Tự bao đời nay, giếng cổ này đã cung cấp nước và che chở cho dân làng, mang nguồn nước ngọt cho cả đảo nên ai cũng trọng và xưng tụng là giếng Vua. Theo những vị cao niên trong làng, giếng này có từ khi những dòng tộc đầu tiên ra trấn giữ, khai phá vùng đất này. Thời ấy, cả xứ đảo chỉ trông cậy vào mỗi cái giếng này để sinh hoạt. Bởi vậy người dân xứ đảo xem giếng này như một phần mạng sống của mình.

Theo ông Trần Dự (62 tuổi), chủ nhân của giếng “lạ”, cái giếng này có từ thời cố nội của ông, đến nay cũng trên dưới 200 năm nên có thể gọi đây là một giếng cổ. Ngay từ lúc ông còn bé, đã thấy đằng sau nhà mình có một cái giếng. Tuy nhiên, khi ấy với bản tính trẻ con nên ông cũng không để ý gì nhiều.

Hình dáng giếng cổ nhìn từ bên ngoài.

Thoạt nhìn bên ngoài nó trông giống như bao cái giếng bình thường khác vẫn thường thấy ở miền quê, không có một “biểu hiện” gì lạ cả. Hình dáng bên ngoài giếng nước hơi nhỏ, cao chưa đầy 0,5m, bán kính 0,3m, sâu chưa tới 5m, xung quanh được xây bằng đá vôi (nay đã phủ màu rêu xanh). Đoạn từ đáy giếng trở lên tầm khoảng 1,5m là đất đá vôi kết lại. Nhìn theo hướng chỉ tay của chủ nhân, từ đáy giếng có khoảng ba, bốn “ụn nước” được tạo thành, nếu như đủ mạnh thêm tí nữa thì nó sẽ vượt khỏi mặt nước mà phun thành vòi. “Ở dưới đáy giếng tạo thành cái bồn rộng lắm, chắc cũng chứa phải hết cái vườn mãng cầu này” – ông Dự cho hay.

Cũng theo ông, bồn giếng tuy rộng nhưng hơi “khiêm tốn” về chiều cao, ước chừng nó có thể chứa được cả trăm người trưởng thành nhưng phải ở tư thế đứng khom. Thêm một đặc điểm nữa là độ rộng của bồn giếng không đều mà mở rộng theo hướng Tây. Lần ông xuống gần đây nhất cũng gần chục năm, lúc đó ông xuống để đặt lại vòi rồng máy bơm nước, ông định chui vào để xem nhưng thấy đất lở nhiều quá nên sợ. Từ đó đến nay chưa có ai xuống giếng cả.

Ông Dự, người chủ nhân của giếng lạ.

Ông Dự còn bật mí: “Hồi cái giếng này chưa xây bờ thành nó thường hay nuốt đồ vật, heo gà lắm. Nhưng có một điều lạ là, lâu lâu đòn gánh hay thùng gánh nước… rớt xuống dưới, chúng tôi xuống lấy liền nhưng không thấy. Vậy mà vài hôm sau xuống lại thấy sờ sờ trước mặt”.

Một đồn mười, mười đồn trăm, những câu chuyện kỳ lạ và giếng cổ nuốt đồ vật cứ thế lan truyền trong chòm xóm. Người hiếu kỳ vẫn tìm đến để tận mục giếng lạ, nhưng chưa có lời giải nào cho hiện tượng bí ẩn này suốt nhiều năm qua.

Giải mã bí ẩn

Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Tuấn Tài, chuyên gia nghiên cứu về địa chất nhận định: “Chuyện kì thú quanh chiếc giếng đó thì do người nọ kể lại cho người kia là chính. Mấy ụ nước mà ông Dự bảo lâu lâu lại vượt khỏi mặt nước mà phun thành vòi, đó cũng do biến đổi mặt đáy của nước ngầm theo chu kì của nó mà thôi. Cũng nên nhớ rõ, đây là vùng đảo nhưng lại nằm giữa biển khơi nên thường trực ngay bên dưới những nơi người dân ở vẫn là một mạch nước ngầm vô tận với cơ tầng đất pha cát.”

Bên trong giếng lạ.

Cuối tháng 11/2013, trong một đợt đi khảo cứu địa chất ở huyện đảo Lý Sơn, Thạc sĩ địa chất Trần Minh Hùng (ĐH Mỏ Địa Chất) đã đưa ra một số lý giải mà theo ông và một số người thì khá hợp lí. Theo Thạc sĩ Hùng, cấu tạo địa chất của phần lớn các làng xã ở đảo Lý Sơn đều trên đất thịt, dưới đất cát. Mà dưới lớp đất cát lại luôn có sự biến chuyển theo sự tác động của các mạch ngầm nước biển. Nước biển không ngấm trực tiếp và cung cấp nước cho chiếc giếng cổ nhà ông Dự nhưng nó có nhiều mạch ngầm được lọc qua lớp cát. Và sở dĩ những đồ vật khi rơi xuống đáy giếng mà nhìn xuống lại không thấy xuất hiện ngay bởi dưới đáy giếng phình ra như một chiếc ủng lớn. Các mạch nước luôn biến chuyển, khi có vật rơi xuống mặt nước giãn ra và tạo thành vòng xoáy nên các vật nhẹ mà nổi thì sẽ bị chao đảo vào góc khuất. Khi mặt nước trở lại bình thường người dân thấy được các vật dụng như đòn gánh, rá rổ…là chuyện quá bình thường.

Việc ông Dự từng xuống dưới đáy giếng nhà mình như ông nói vì tình cờ gặp đúng lúc nước biển rút ra xa, địa chất tầng sâu dưới đáy giếng không có xáo trộn, nước rút xuống cạn đi nhiều phần nên có thể xuống đặt máy bơm hay vật dụng khác là điều hiển nhiên.

Nhơn Thành - Hà Kiều

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-gieng-vua-tram-tuoi-co-kha-nang-nuot-co-vat-1031395.html