Vì sao Hà Nội làm đường vành đai 4 rộng 120m?

Theo Bí thư Hà Nội, khi làm quy hoạch đường vành đai 4 thì làm luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang thì cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu để giữ đất.

Ngày 29/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII, bàn thảo hai nội dung gồm Dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết ĐH XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và Dự thảo Nghị quyết về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác cán bộ là “công việc then chốt của then chốt, quyết định thành bại của mọi công việc”, trong những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên việc này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là đứng trước tình hình thực tiễn hiện nay với nhiều việc khó, việc mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải xứng tầm.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo thông tin, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm nguyên tắc luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải trong quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, cơ bản phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kiên quyết không xem xét đề bạt, bổ nhiệm đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn điều kiện.

“Đến năm 2025, hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Bố trí, sắp xếp trên 50% bí thư, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương”, ông Bảo nêu.

Tờ trình nêu rõ, việc thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, mở rộng đến các chức danh là cấp phó sở, ban, ngành, quận, huyện, thị để phòng ngừa tiêu cực, tránh sức ỳ, phát huy sự đổi mới, tích cực của đội ngũ cán bộ.

Nói về lý do làm làm đường vành đai 4 rộng 120m ở Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: "Hà Nội hiện nay trong cái áo quá chật, đường vành đai 3 giờ tắc suốt ngày đêm, có đúng không? Tất cả cửa ngõ dồn vào khu vực Pháp Vân - Cầu Giẽ, tắc suốt. Nhưng nếu mình làm không gian rộng ra, có đường vành đài 4 thì không gian phát triển đô thị ở TP vô cùng lớn, không gian để thu hút đầu tư vô cùng lớn, từng bước giảm chênh lệch phát triển giữa khu vực Hà Nội ngày trước và Hà Nội mới bây giờ". Theo Bí thư Thành ủy, có thể vận dụng các phương thức huy động nguồn lực mà pháp luật cho phép.

"Mình đã quyết làm là tập trung bố trí vào đây, trước hết là giải phóng mặt bằng, thường trực Thành ủy họp thống nhất quy mô cao nhất đường có mặt cắt ngang 120m, có 2 tầng, tầng trên là đường cao tốc, tầng dưới là để kết nối với các đô thị sau này", Bí thư Thành ủy thông tin.

Theo Bí thư Hà Nội, điểm khác giữa đường vành đai 3 hiện nay và đường vành đài 4 trong tương lai là ở chỗ khi làm quy hoạch đường vành đai 4 thì làm luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang thì cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu để giữ đất. Bí thư cũng cho biết, khi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh ngay.

“Tôi cũng phấn khởi gọi luôn cho Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh gồm Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, các đồng chí Bí thư vô cùng phấn khởi, và nếu theo chương trình thì tuần sau chúng ta sẽ họp với thường trực các tỉnh liên quan để thống nhất phương án này, sau đó cùng báo cáo Chính phủ về con đường vành đai 4, phải làm thì mới giảm tải được cho nội đô", Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.

Liên quan đến cải tạo chung cư cũ, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng cần phải thay đổi tư duy, cách nghĩ về vấn đề này. Xưa nay, quan điểm vẫn là không được tăng dân số, hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Nếu nói như thế là để không làm. Nói là không được tăng dân số, nhưng tại sao lại xây nhiều chung cư cao tầng ở các khu như Ngã Tư Sở, Minh Khai, Giảng Võ, khu Cao-Xà-Lá..."Như vậy rõ ràng là tăng dân số rồi, tại sao lại cứ ép chung cư cũ không cho tăng tầng", Bí thư Thành ủy đặt vấn đề và gợi ý nên cải tạo từng khu chứ không làm từng nhà.

"Tại sao nhiều chỗ xây lắm chung cư cao tầng thế mà lại không cho cải tạo chung cư cũ thành chung cư cao tầng. Đập 1 - 2 chung cư đi để xây. Trả cho người dân theo hệ số 1 - 2 lần. Tầng 1 - 2 cho làm thương mại. Tầng 3 - 15 trả cho người dân, thỏa thuận với người dân. Còn lại 8 - 9 tầng trên để kinh doanh. Người ta có lợi nhuận mới làm", người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/vi-sao-ha-noi-lam-duong-vanh-dai-4-rong-120m-639328/