Vì sao hàng Việt khó tiếp cận các kênh phân phối?

Ngày 27-9, trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2019, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa hệ thống phân phối, thu mua hàng đầu tại TPHCM, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm tăng khả năng đưa hàng hóa vào các kênh phân phối của thành phố.

Đại diện nhà phân phối (bìa trái) trao đổi với doanh nghiệp sản xuất tại hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa 2019. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đại diện nhà phân phối (bìa trái) trao đổi với doanh nghiệp sản xuất tại hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa 2019. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng, hiện nay mối quan hệ giữa cung - cầu hàng hóa là không bình đẳng. Vấn đề này đã diễn ra từ nhiều năm qua, gây nản lòng các nhà sản xuất. Nguyên nhân chính là chúng ta đang có quá nhiều nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ lẻ, với năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng có hạn; trong khi đó, hệ thống phân phối kinh doanh theo chuỗi vẫn chưa phát triển đúng tầm nên trong quan hệ, các nhà phân phối vẫn ở thế “kèo trên”, tình trạng “xin - cho” vẫn diễn ra khá phổ biến trong việc đưa hàng hóa vào siêu thị.

Bà Dương Thu Uyên, Giám đốc kênh MT - Công ty Devie, cho biết Devie đang chào hàng vào vài hệ thống siêu thị nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Để đưa một số sản phẩm như ngũ cốc, trà mát…, công ty đã phải đầu tư vốn, mua sắm thêm nhiều máy móc thiết bị nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bộ phận mua hàng. Tuy nhiên, khi sản phẩm đã hoàn thiện thì dường như nhà phân phối “quay lưng” với DN, không có cách gì liên lạc được với bộ phận mua hàng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất khó cho DN vì năm sắp hết, tết sắp tới nhưng hàng hóa vẫn không bán được.

“Có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong việc cung ứng hàng vào siêu thị? Đến bao giờ các nhà cung cấp được đối xử bình đẳng? Nếu chúng ta chưa tìm được tiếng nói chung trong cung ứng và phân phối thì các DN sản xuất sẽ không thể lớn lên được”, ông Nguyễn Hồng Quyết bức xúc.

Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Công ty Đế Gò Đen, cũng cho rằng DN đã có những bước đầu tư vượt bậc để nâng tầm thương hiệu rượu Đế Gò Đen lên tầm quốc gia, đồng thời tiến hành ủ rượu trong hầm suốt 20 tháng để loại bỏ tất cả các tạp chất có hại cho sức khỏe. Loại rượu này cũng được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đặt mua, nhưng khi chào hàng vào các siêu thị thì luôn chịu sự “ghẻ lạnh”. Cụ thể, công ty đã làm việc với Co.opmart trong 3 năm liền, BigC 2 năm… nhưng đến nay vẫn không có kết quả.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Quyết, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (tỉnh Bình Dương), cho biết với mong muốn cung ứng cho siêu thị những loại thực phẩm an toàn, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, cũng là cách nâng cao thu nhập cho xã viên nên có thời điểm mỗi ngày hợp tác xã đã gọi cả chục cuộc điện thoại và gửi email đến một hệ thống phân phối nhưng không có ai nhắc máy, cũng không có hồi âm email.

Giải quyết những trục trặc trong khâu kết nối, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đề nghị các bên nên ngồi lại với nhau để bàn bạc kỹ những vướng mắc, khơi thông nguồn hàng cho các nhà cung cấp. Với những mặt hàng chưa đạt chuẩn, nhà phân phối cần có hướng dẫn thật cụ thể, đồng thời tiến hành đánh giá chất lượng một cách khách quan và công bằng.

Nhà sản xuất thì cần nơi để bán hàng, còn nhà phân phối cần có hàng hóa để bán, do vậy cung - cầu phải được đặt trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau thì mối quan hệ mới phát triển bền vững. Trên thực tế, người đứng đầu tại nhiều hệ thống phân phối rất cởi mở, nhưng khi xuống đến nhân viên thì đã không đặt sự công bằng lên hàng đầu. Cùng một sản phẩm nhưng đơn vị này có thể đưa vào, còn DN khác thì bị đưa ra với những tiêu chí rất ngặt nghèo, khiến họ nản lòng. Do vậy, bản thân các hệ thống phân phối phải làm việc lại với chính cấp dưới của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiếp cận bình đẳng.

Có một số ý kiến cho rằng, trong quá trình hợp tác, các siêu thị cần chấm điểm cho các nhà cung cấp, cần cải tiến phương thức thanh toán từ ký gửi sang “mua đứt, bán đoạn” để tạo điều kiện cho DN đầu tư, nâng cấp và phát triển sản phẩm mới. Chỉ như vậy sản xuất mới phát triển, tạo động lực cho hàng Việt phát triển và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

THÚY HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vi-sao-hang-viet-kho-tiep-can-cac-kenh-phan-phoi-619424.html