Vì sao hệ thống cảnh báo sóng thần của Indonesia đã không hoạt động?

Nhiều người trên bãi biển ở Palu đã thiệt mạng hôm 28/9 khi không nhận thức được mối đe dọa của sóng thần do không có tiếng còi báo động nào cất lên

Một hệ thống cảnh báo sớm, có thể đã cứu được nhiều sinh mạng trong đợt sóng thần tấn công hòn đảo Sulawesi của Indonesia hôm 28/9, thực tế lại đang bị đình trệ ở giai đoạn thử nghiệm trong nhiều năm qua.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần tại Palu. Ảnh: Reuters

Một hệ thống cảm biến đáy biển công nghệ cao, bao gồm sóng âm thanh dữ liệu và cáp quang đã được đề xuất thiết lập tại Indonesia sau trận động đất và sóng thần giết chết gần 250.000 người ở tỉnh Aceh nước này vào năm 2004.

Tuy nhiên, những trì hoãn trong việc huy động 1 tỷ rupiah (tương đương 69.000USD) để hoàn thành dự án đã khiến hệ thống này không được đi vào vận hành dù đã có một nguyên mẫu với 3 triệu USD từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.

Và giờ đây tất cả đã quá muộn với hòn đảo Sulawesi, nơi những tường nước cao tới 6m và trận động đất mạnh 7,5 độ richter hôm 28/9 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 832 người tại các thành phố Palu và Donggal, cho thấy những điểm yếu của hệ thống cảnh báo thiên tai hiện nay và những hạn chế trong nhận thức của người dân về cách ứng phó với cảnh báo tại Indonesia.

"Đối với tôi đây là bi kịch với nền khoa học, thậm chí còn hơn cả bi kịch mà người dân Sulawesi ở Indonesia đang phải gánh chịu lúc này", Louise Comfort, một chuyên gia quản lý thiên tai đứng đầu một dự án của Mỹ về các nhà khoa học và thảm họa ở Indonesia, cho biết.

Sau thảm họa sóng thần năm 2004, quốc tế đã nỗ lực nhằm cải thiện khả năng cảnh báo thiên tai tại các nước dễ bị động đất và sóng thần, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương và Indonesia.

Một phần của nỗ lực đó là sử dụng các nguồn tài trợ từ Đức và nhiều quốc gia khác để triển khai một mạng lưới 22 phao kết nối với bộ cảm biến đáy biển có khả năng đưa ra các cảnh báo trước.

Đáng chú ý, sau một trận động đất khá lớn ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia vào năm 2016 ảnh hưởng nặng nề tới thành phố ven biển Padang, một sự thật được tiết lộ rằng không có phao nào trị giá hàng trăm nghìn USD/chiếc đã hoạt động. Chúng đã bị vô hiệu hóa bởi các hành động phá hoại, trộm cắp hoặc phải ngừng hoạt động do thiếu kinh phí để bảo trì.

Hệ thống cảnh báo sóng thần chính ở Indonesia hiện nay là một mạng lưới 134 trạm đo thủy triều trên đất liền, còi báo động ở khoảng 55 địa điểm và một hệ thống để phổ biến cảnh báo bằng tin nhắn tới điện thoại người dân.

Khi trận động đất 7,5 độ richter xảy ra vào khoảng 6h chiều (giờ địa phương) hôm 28/9, cơ quan khí tượng và địa vật lý Indonesia thực tế đã ban hành một cảnh báo sóng thần có khả năng chỉ cao từ 0,5-3m. Cảnh báo này kết thúc lúc 6h36.

"Các đồng hồ đo thủy triều vẫn hoạt động, nhưng chúng bị hạn chế trong việc đưa ra các cảnh báo trước. Không cái nào trong số 22 phao đang hoạt động", bà Comfort cho biết, "trong vụ việc ở Sulawesi, cơ quan khí tượng và địa vật lý (BMKG) đã hủy bỏ cảnh báo sóng thần quá sớm, trong khi nó không có dữ liệu từ Palu. Đây là dữ liệu mà hệ thống phát hiện sóng thần có thể cung cấp".

Adam Switzer, một chuyên gia về sóng thần tại Đài quan sát Trái đất Singapore, thì cho rằng sẽ là "không công bằng" khi nói rằng BMKG đã sai trong tình huống này.

"Vấn đề nằm ở chỗ các mô hình cảnh báo mà Indonesia có hiện nay đang quá thô sơ", ông nói, "họ không tính đến nhiều thiên tai chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Họ sẽ không lường trước một vụ lở đất dưới biển với thiết bị như hiện nay."

Bất cứ hệ thống cảnh báo nào cũng sẽ ưu tiên đo đạc dữ liệu ở các khu vực ven biển và lưu lại đó một vài giờ, Switzer nói thêm.
Harkunti Rahayu, chuyên gia tại Viện Công nghệ Bandung cho biết, việc cắt điện sau khi trận động đất xảy ra đã khiến còi báo động nhằm cảnh báo người dân sơ tán đã không hoạt động hôm 28/9.

"Hầu hết mọi người đang bị sốc bởi trận động đất và không còn nghĩ được đến việc một cơn sóng thần sẽ đến", bà Rahayu nói.

Các chuyên gia cũng cho biết, một hệ thống nguyên mẫu được triển khai thử nghiệm ngoài khơi Padang - một thành phố rất dễ bị sóng thần do cấu trúc địa lý dưới lòng đất khá đặc biệt - có thể cung cấp thông tin về các mối đe dọa sóng thần trong vòng từ 1-3 phút, trong khi các máy đo thủy triều hiện nay cần tới 5-45 phút.

Vấn đề cuối cùng để hoàn thiện mạng lưới ở Padang là chỉ cần thêm vài km cáp quang nữa nhằm kết nối nó với trạm trên một hòn đảo ngoài khơi, nơi các tầng dữ liệu sẽ được truyền qua vệ tinh tới cơ quan địa vật lý.

Tuy nhiên hệ thống nói trên, kể từ khi được chính thức thông báo là vào tháng 1/2017, đến nay vẫn đang chờ kinh phí để đặt cáp. Các cơ quan liên quan đã bị cắt giảm ngân sách và dự án bị "đá qua đá lại" giữa các bên.

Kể từ trận sóng thần năm 2004, "câu thần chú" giữa các quan chức thiên tai ở Indonesia luôn là "cảnh báo sóng thần và tín hiệu cho việc sơ tán ngay lập tức". Đáng tiếc là không phải ai cũng tin rằng hệ thống phát hiện sóng thần là một điều vô cùng cần thiết, kể cả người dân Indonesia

Thực tế là mọi người vẫn thản nhiên hoạt động xung quanh bờ biển của Palu khi những cột sóng đã được nhìn thấy rõ ràng bằng mắt, cho thấy những bài học về các thảm họa trước đó đã không được lưu tâm.

"Điều này một phần chứng tỏ việc chính phủ đã không tuyên truyền, giáo dục và phát triển lòng tin đối với người dân để họ biết chính xác những gì cần phải làm khi một cảnh báo thiên tai được đưa ra", Gavin Sullivan, nhà tâm lý học thuộc dự án phổ biến công tác chuẩn bị trước thảm họa cho thành phố Bandung của Indonesia, nhận định.

Hương Thảo (Telegraph)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-he-thong-canh-bao-song-than-cua-indonesia-da-khong-hoat-dong-326394.html