Vì sao hình ảnh Lâm Đại Ngọc chôn hoa đẹp nhất 'Hồng Lâu Mộng'?

Lâm Đại Ngọc trong 'Hồng Lâu Mộng' của Tào Tuyết Cần là đóa phù dung diễm lệ, mong manh, phất phơ trước gió. Nàng đến nhân gian này phải chăng để gieo nỗi sầu bi tuyệt cùng.

Khi uống rượu rút thẻ hoa với các chị em, Đại Ngọc rút được thẻ hoa phù dung, có đề bốn chữ “sương gió buồn tênh”. Mặt sau có một câu thơ cổ: “Thương mình nào dám giận gì gió đông”. (…) Mọi người cười nói:

“Hay quá! Trừ cô ấy ra, không còn có ai xứng đáng làm hoa phù dung nữa”.

Lâm Đại Ngọc, đệ nhất mỹ nhân của Hồng Lâu Mộng.

Biểu tượng là loài hoa phù dung chính là dự cảm cho cuộc đời sớm tàn lụi lúc còn xuân thì của nàng. Cuộc đời nàng là giấc mộng hư ảo, như trăng, như sao ấy, lại như đóa hoa khẽ động trong sương.

Tào Tuyết Cần đã dùng những từ ngữ tuyệt mỹ nhất để miêu tả dung nhan của Đại Ngọc: “Đôi mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui, tim đọ Tỉ Can (chú của Trụ Vương) hơn một khiếu, so Tây Tử (Tây thi - Đông Thi) trội vài phần”. [Tán Lâm Đại Ngọc - Hồi 3].

Lâm Đại Ngọc, nàng đúng là “Thân kia trong sạch muôn vàn, Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ”. Nàng là đệ nhất mỹ nhân trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách, là người con gái tài hoa nhất trong vườn Đại Quan của Giả Phủ.

Nàng là thiếu nữ sầu bi, mang đậm dáng vẻ thiên thai thoát tục. Mỗi khi nàng xuất hiện, đều lưu luyến khôn nguôi. Tào Tuyết Cần miêu tả nhiều trường đoạn tuyệt đẹp của nàng, nhưng ấn tượng đậm sâu nhất, hẳn vẫn là dáng điệu của nàng chôn hoa mùa xuân.

Trông cái dáng điệu của nàng khi chôn hoa khiến tôi run lẩy bẩy. Tưởng như chưa từng gặp một tâm hồn nào nhạy cảm yếu ớt đến thế. Tưởng như chưa từng đọc được điều gì đẹp đến thế, vừa thơ dại vừa u uất. “Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa”, rồi nhớ đến nàng:

“Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ

Sau này ta chết ai là người chôn

Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn

Cũng là khi khách hồng nhan về già

Hồng nhan thấm thoắt xuân qua

Hoa tàn người vắng ai mà biết ai”

Xuân qua rồi xuân lại đến, hoa nở rồi hoa tàn, nhưng cái tàn xuân kia, phất phơ cánh đào kia cứ bay buồn hắt hiu trong một bầu không khí hoài ảo của quá vãng. Mùa xuân qua rồi, đào đã phai cả rồi, chỉ còn một giấc mộng, cứ trở đi trở lại, một giấc mộng của những ảnh hình lưu vong, một giấc mộng của những tan phai não nùng.

Tranh vẽ Lâm Đại Ngọc chôn hoa.

Khi tìm nơi chôn hoa, tâm hồn thanh cao, trinh bạch của nàng đã thể hiện khi Bảo Ngọc muốn đem thả hoa xuống nước, Đại Ngọc liền ngăn: "Thả xuống nước không được đâu. Anh tưởng nước ở đây sạch à? Khi chảy đến những chỗ gần nhà người ta ở, thì nước chứa đủ hôi thối, vẫn làm hoa dơ bẩn. Ở gò đằng kia tôi đã đào một cái mả để chôn hoa. Nay ta quét hết, bỏ vào cái túi này, đem đến đấy chôn. Hoa lâu ngày hóa ra đất, như thế chẳng sạch hay sao".

Nàng như tiên giáng trần, nhưng nàng đến trần gian đầy uẩn khúc để làm gì? Bắt đầu ngay trong hồi thứ nhất tác giả đã thông qua Chân Sĩ Ẩn để nói rõ nhân duyên giữa nàng và Bảo Ngọc. Nàng vốn là cây Giáng Châu tiên thảo trên trời như thế nào, cho đến việc nợ ân tình tưới nước cam lồ của Bảo Ngọc ra sao. Để hoàn trả ân tình, nàng tự nguyện theo Thần Anh thị giả (tiền thân của Bảo Ngọc) xuống nhân gian, chuyển sinh thành cô em họ Lâm Đại Ngọc của chàng.

Nàng đến nhân gian. Nàng gảy đàn, ngâm thơ, thưởng nguyệt, vịnh hoa, khóc hoa, thương hoa, rồi lại chôn hoa, đốt bản thảo… cuối cùng lại cạn khô nước mắt mà qua đời.

Bi kịch của nàng, nỗi đau thương của nàng tất cả đều bắt nguồn từ Bảo Ngọc. Đọc Hồng Lâu Mộng, độc giả nhận ra rằng Đại Ngọc khóc quá nhiều. Tại sao nàng khóc? Nàng khóc vì tủi phận, vì yếu đuối, bi lụy? Có thể tất cả đều đúng, nhưng nguyên nhân sâu thẳm nhất, nếu để ý sẽ thấy mọi lần nàng khóc đều vì Bảo Ngọc. Ngay từ lần đầu tiên gặp nhau tại phủ Giả, vì Bảo Ngọc gây chuyện, ném viên ngọc bản mệnh của mình, đã khiến Đại Ngọc sụt sùi, thương tâm.

Sau này, khi ở phủ Giả đã lâu, nàng và Bảo Ngọc tình cảm mặn nồng thân thiết, thì Bảo Thoa xuất hiện, chính là căn nguyên thúc đẩy mối thương tâm, đồng thời thúc đẩy định mệnh đầy nước mắt mà nàng Lâm Đại Ngọc buộc phải gánh chịu.

Nàng khóc vì xót xa mối tình của mình và Bảo Ngọc. Đọc những trang viết của Tào Tuyết Cần, thấy nàng không phải đố kỵ với Bảo Thoa, mỗi khi thấy Bảo Thoa và Bảo Ngọc bên nhau, nàng chỉ đau xót khi nghĩ Bảo Ngọc “gần chị liền quên em”, buồn thay cho tấm chân tình nàng dành cho Bảo Ngọc. Nàng khóc đến hao gầy tấm thân, đến ho cả ra máu.

Mối tình Bảo Ngọc - Đại Ngọc là mối tình đầy bi thương.

Trong tiểu thuyết, có một đoạn như sau, có một lần Bảo Ngọc lại nhìn thấy Đại Ngọc khóc, liền vội vàng khuyên nhủ: “Em lại tự tìm lấy muộn phiền đấy à! Em xem này, năm nay em gầy hơn năm ngoái nhiều quá, còn không biết tự chăm sóc, mỗi ngày cứ ít nhất phải khóc một trận mới xong một ngày hay sao!”.

Đại Ngọc lau nước mắt trả lời: “Gần đây em chỉ cảm thấy đau lòng, nước mắt dường như ít hơn năm ngoái. Trong lòng chỉ thấy chua xót, đau đớn, còn nước mắt dường như đã cạn rồi”.

Bi ai thế, Tào Tuyết Cần đã viết riêng cho nàng và Bảo Ngọc khúc thơ Uổng ngưng mi (Hoài công biết nhau), báo trước viễn mộng tan vỡ, chia lìa:

Bảo rằng chả có duyên đâu,

Thì sao lại được gặp nhau kiếp này?

Bảo rằng sẵn có duyên may,

Thì sao lại đổi thay lời nguyền?

Nàng yêu, nhưng số phận nàng đã định, nàng đến nhân gian chỉ để báo ân bằng nước mắt. Báo ân xong nàng phải rời cõi trần gian này thôi. Đêm nàng chết, mưa gió não nùng, khi Bảo Ngọc liên hôn cùng Bảo Thoa, có hay chăng, nàng Đại Ngọc lạnh lẽo, cô đơn, vẫn nghèn nghẹn khóc: “Bảo Ngọc! Bảo Ngọc! Anh thật... Nói đến tiếng “thật”, cả người toát mồ hôi lạnh ra, không nói gì nữa”. Cho đến khoảnh khắc cuối cùng, Đại Ngọc đáng thương vẫn tâm niệm Bảo Ngọc.

Nàng chết. Ân tình trả đã xong. Nhân sinh chỉ như một cơn mộng ảo mà thôi.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-hinh-anh-lam-dai-ngoc-chon-hoa-dep-nhat-hong-lau-mong-post934636.html