Vì sao hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng đột biến?

Sản lượng tiêu thụ toàn quốc tăng mạnh trong tháng 4, đặc biệt có ngày lên tới hơn 993 triệu kWh. Khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi thấy tiền điện tăng cao.

Nguyên nhân chính khiến tiền điện tháng vừa qua của nhiều hộ dân tăng cao là do nắng nóng kéo dài, người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng lên. Nhiều gia đình ở TP.HCM nhận thấy hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng từ 20 - 50% so với trung bình các tháng trước đó. Còn tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng phản ánh hóa đơn tăng khoảng 20%.

Khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, nhiều người bất ngờ khi thấy tiền điện tăng cao.

Anh Lê Vạn Lý, ở phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: "nhà có hai máy lạnh, tuy nhiên, tháng 4 vừa rồi cũng khá nóng nên nhu cầu sử dụng điện của gia đình, nhất là làm lạnh, gần như là hai cái song song nhiều hơn, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Thì mình thấy qua những bill tiền điện thì mình thấy tăng đâu đó 20% so với tháng trước".

Nguyên nhân chính khiến tiền điện tháng vừa qua của nhiều hộ dân tăng cao là do nắng nóng kéo dài, người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng lên.

Thống kê của điện lực TP.HCM cho thấy tháng 4, sản lượng tiêu thụ của toàn TP.HCM đạt hơn 2,75 tỷ kWh, tăng 12,4% so với tháng 3. Đặc biệt, trong các ngày 24, 25 và 26 tháng 4, lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt 100 triệu kWh, công suất tiêu thụ tăng đột biến. Trong tháng, số khách hàng sử dụng điện bậc 6 đã tăng lên 44% trong tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Còn điện lực Hà Nội ghi nhận sản lượng tiêu thụ tăng trung bình khoảng 10 - 11%.

Thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đến ngày 2/5, TP.HCM đã ghi nhận 79 ngày nắng nóng với nền nhiệt cao trong năm 2024. Đây cũng là năm có số ngày nắng nóng kỷ lục trong gần 30 năm qua.

Thống kê của điện lực TP.HCM cho thấy tháng 4, sản lượng tiêu thụ của toàn TP.HCM đạt hơn 2,75 tỷ kWh, tăng 12,4% so với tháng 3.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bển vững, Bộ Công Thương: "chúng ta có thể thấy nhu cầu về tiêu thụ điện tăng trưởng rất là mạnh, đặc biệt là đối với lĩnh vực điện dân dụng. Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm thì nhu cầu điện cho sản xuất công nghiệp cũng rất cao. Nhu cầu điện có thể ở mức 12%, mức này rất cao so với năm 2022, 2023 chỉ có 3,5 - 4%. Bên cạnh các giải pháp về đảm bảo nguồn cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng, giúp cho chúng ta có đủ điện cho xã hội, nền kinh tế và giúp cho doanh nghiệp có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh bởi cắt giảm được sản lượng điện dư thừa, không hợp lý".

Nhằm hạn chế nguy cơ tiết giảm điện, nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, cơ quan chức năng và ngành điện lực khuyến cáo người dân, các cơ quan, công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/vi-sao-hoa-don-tien-dien-thang-4-tang-dot-bien-236438.htm