Vì sao Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam không được lòng mẹ chồng?

Được đánh giá là người phụ nữ 'tài sắc vẹn toàn' nhưng Nam Phương Hoàng hậu cũng gặp phải sự bất hòa trong mối quan hệ với mẹ chồng.

Nam Phương Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có ở Miền Nam. Khi kết hôn cùng Vua Bảo Đại, Nguyễn Hữu Thị Lan mới vừa ngoài 20 và được phong Hoàng hậu ngay sau lễ cưới.

Có nhan sắc, có học thức nên Nam Phương Hoàng hậu được lòng nhiều người. Tuy nhiên cũng như bao nàng dâu khác, bà cũng phải đối diện với những mâu thuẫn khá gay gắt với mẹ chồng là Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Đức Từ Cung).

Nam Phương Hoàng hậu.

Nam Phương Hoàng hậu.

Theo những tư liệu được ghi lại, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự bất hòa giữa Nam Phương Hoàng hậu và mẹ chồng là từ một cô gái. Khi vua Bảo Đại đến tuổi kết hôn, Thái hậu đã chọn sẵn cho con trai một người con gái "chuẩn" truyền thống. Đó là nàng Bạch Yến, người con gái xuất thân trong gia đình quý tộc, gia giáo, giữ đúng phép tắc lễ nghi của cung đình. Thế nhưng, vua Bảo Đại lại chọn Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương Hoàng Hậu) - cô gái theo đạo Công giáo và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Tây phương.

Khi đã là người chung một nhà, Nam Phương Hoàng hậu và mẹ chồng có nhiều khác biệt trong lối sống. Trong khi bà Từ Cung ủng hộ Bảo Đại lập thê, lập thiếp, Nam Phương lại yêu cầu chồng bỏ tam cung lục viện, giữ chế độ 1 vợ 1 chồng. Bởi thế, không ít lần Hoàng hậu bị mẹ chồng than trách, cho rằng tính khí ích kỷ, chỉ nghĩ đến riêng mình.

Sau này, khi vua Bảo Đại đem lòng yêu người con gái tên Mộng Điệp, dù không có hôn thú, bà Từ Cung vẫn ban mũ áo cho Thứ phi và tin tưởng giao cho việc thờ cúng tổ tiên cho người này.

Đoan Huy Hoàng Thái hậu - mẹ chồng của Nam Phương Hoàng hậu.

Ngoài lối sống, Nam Phương Hoàng hậu và mẹ chồng còn có sự khác biệt về tôn giáo. Bà Từ Cung là người theo đạo Phật và là người vô cùng khuôn thước. Với bà chuyện thờ cúng tổ tiên, hương hỏa là nhiệm vụ tối thượng. Thế nhưng Nam Phương lại là một người theo đạo Công giáo nên không thắp hương, khấn bái, thờ cúng tổ tiên. Việc con dâu không thực hiện lễ nghi thờ cúng tổ tiên hương hỏa cho triều đình thực sự là một điều rất khó chịu đối với bà Từ Cung.

Đoan Huy Hoàng Thái hậu (ngồi), Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và 2 công chúa Phương Mai - Phương Liên.

Khi Nam Phương Hoàng hậu sinh con, đặc biệt là các hoàng tử, bà Từ Cung cũng muốn được chăm sóc các cháu theo truyền thống. Bà muốn các cháu đeo những tấm bùa cầu bình an ở tay, nhưng Nam Phương Hoàng hậu không đồng ý.

Ngoài ra, Nam Phương còn dạy con nói tiếng Pháp. Mỗi khi mẹ con Hoàng hậu nói chuyện với nhau, bà Từ Cung không hiểu. Do đó, bà cũng có chút khó chịu trong lòng.

Nam Phương Hoàng hậu bên các con trai và con gái.

Tuy mối quan hệ không thực sự hòa thuận nhưng Nam Phương Hoàng hậu vẫn rất tôn trọng mẹ chồng. Trong sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố (tác giả Phạm Hy Tùng, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) có công bố những bức thư Hoàng hậu gửi cho chồng, trong đó có nhắc tới bà Từ Cung.

Chẳng hạn, trong thư đề ngày 14/1/1951, Hoàng hậu Nam Phương viết: "Mình yêu quý. Em lo ngại về tình hình sức khỏe của Mẫu hậu, có đúng là Bà đang mệt không?", hay thư ngày 7/5/1951 bà viết: "Em đã nhận được thư Mình. Em rất mừng vì Mẫu hậu đã khỏe và đang ở bên cạnh Mình. Bên này trời không đẹp lắm".

Tình vợ chồng giữa Bảo Đại và Nam Phương chỉ thắm thiết những năm đầu, sau đó Bảo Đại ham chơi và trăng hoa, mải miết đuổi theo những bóng hồng khác. Nam Phương Hoàng hậu trở nên cô đơn trong kinh thành Huế. Sau này, bà đưa các con sang Pháp sinh sống và qua đời ở đó.

Ngọc Thanh(tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-hoang-hau-cuoi-cung-cua-viet-nam-khong-duoc-long-me-chong-ar761054.html