Vì sao Indonesia bỗng kêu gọi NV cứu trợ nước ngoài rời vùng thảm họa?

Các chuyên gia cho rằng chính phủ Indonesia tỏ ra cảnh giác với viện trợ nước ngoài bởi họ có thể đối mặt với chỉ trích từ các đối thủ chính trị.

Chính quyền Indonesiay đã yêu cầu các nhân viên cứu trợ nước ngoài độc lập rời khỏi vùng bị động đất, sóng thần tàn phá trên đảo Sulawesi, đồng thời cho biết các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài có nhân viên hoạt động trong khu vực thảm họa nên rút người về "ngay lập tức", theo Reuters.

Indonesia thường miễn cưỡng dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài khi đối phó với các thảm họa. Chính phủ nước này từng từ chối viện trợ quốc tế khi các trận động đất hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8 tàn phá đảo Lombok.

Các nhân viên cứu hộ và một sĩ quan đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát ở thành phố Palu, Indonesia.

Thông báo làm dấy lên lo ngại rằng khả năng viện trợ của các NGO có thể bị cản trở.

Tim Costello, thành viên của tổ chức từ thiện World Vision, gọi thông báo này của chính phủ Indonesia là “rất kỳ lạ”. Tim nói rằng điều này có nghĩa là nhân viên người Indonesia làm việc quá sức sẽ không được nhân viên nước ngoài hỗ trợ.

"Nhà báo nước ngoài được tự do đi lại và đưa tin, nhưng các nhân viên nhân đạo người nước ngoài mang cả kinh nghiệm lẫn viện trợ đến thì không được”, Tim nói với ABC. "Họ bị mất tinh thần, họ bị loại bỏ, vì vậy điều này rất kỳ lạ”.

Hoạt động của nhân viên cứu trợ nước ngoài tại quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã bị hạn chế, chẳng hạn như không được phép "trực tiếp tới hiện trường" mà phải tiến hành tất cả hoạt động "với sự hợp tác cùng địa phương". Cơ quan thiên tai quốc gia Indonesia cũng đặt ra quy tắc "không được thực hiện bất cứ hoạt động nào tại những vùng bị ảnh hưởng" đối với người nước ngoài làm việc cho các NGO.

Sau thảm họa sóng thần, thành phố Palu mất điện và nước nhiều ngày, gây ra cảnh cướp bóc, xếp hàng dài mua xăng và hỗn loạn ở sân bay. Nhiều quốc gia như Úc, New Zealand và Anh đã đề nghị viện trợ cho Indonesia.

Quy định do chính phủ Indonesia vừa ban hành nhằm tới các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Các tổ chức lớn như World Vision, được đăng ký là tổ chức phi chính phủ địa phương ở Indonesia, được phép ở lại.

Cảnh tượng tan hoang ở Palu sau trận động đất sóng thần

Sau khi thảm họa kép tàn phá thành phố Palu và thị trấn Donggala, tỉnh Trung Sulawesi, chính phủ Indonesia đã chi 37 triệu USD để cứu trợ, đồng thời cho biết có khoảng 20 quốc gia đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc chỉ trích Jakarta vì hoạt động cứu trợ tiến triển chậm chạp, trong khi người dân ngày càng tuyệt vọng.

Các chuyên gia cho rằng chính phủ Indonesia tỏ ra cảnh giác với viện trợ nước ngoài bởi họ có thể đối mặt với chỉ trích từ các đối thủ chính trị. Indonesia là đất nước luôn tự hào về lịch sử chống lại sự cai trị của thực dân, dẫn đến việc nhận viện trợ có thể khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc tức giận.

Huy Anh (TH)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quoc-te/vi-sao-indonesia-bong-keu-goi-nv-cuu-tro-nuoc-ngoai-roi-vung-tham-hoa