Vì sao Israel sẽ tiếp tục đánh bom Gaza?

Hôm 4-5 vừa qua, không quân Israel tiến hành một loạt cuộc không kích thảm khốc vào Dải Gaza của Palestine. Hành động tấn công khu vực đang bị bao vây này đã kích động sự phản ứng của nhiều nhóm chống Israel.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh Israel vừa tiến hành tổng tuyển cử, việc quân đội nước này tiếp tục tấn công Dải Gaza là một động thái dễ hiểu, thể hiện hành động cứng rắn hơn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sau khi ông này vấp phải những chỉ trích trong nước, về để phục vụ mục đích chính trị của nhà lãnh đạo này.

Ít nhất 25 người Palestine đã thiệt mạng và gần 200 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel. Trong khi đó, 4 người Israel cũng bỏ mạng bởi đạn pháo của Palestine. Cuộc đụng độ này được khởi xướng bởi Israel, khi quân đội nước này làm 4 người Palestine thiệt mạng tại Dải Gaza hôm 3-5. Hai người thiệt mạng trong lúc biểu tình phản đối dọc hàng rào chia tách Gaza với Israel nhằm yêu cầu chấm dứt sự phong tỏa của Israel. Hai người khác thiệt mạng trong cuộc không kích nhằm vào một tiền đồn của Hamas ở trung tâm Dải Gaza.

Vì sao Thủ tướng Netanyahu lại lựa chọn thời điểm vừa qua để ném bom Dải Gaza? Dưới góc nhìn của giới phân tích, việc tấn công có lẽ dễ hiểu hơn trước thềm cuộc tổng tuyển cử tại Israel. Nhiều tháng trước cuộc bầu cử hôm 9-4, ông Netanyahu bị chỉ trích vì quá mềm mỏng với phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Palestine. Dù tuyệt vọng và cần sự hậu thuẫn, nhưng ông Netanyahu đã kiềm chế tiến hành chiến dịch lớn ở Gaza bởi nguy cơ cố hữu của các cuộc tấn công như vậy, đã thấy trong vụ Israel tấn công vào thị trấn Khan Yunis hôm 11-11-2018. Thủ tướng Netanyahu có thể thua cuộc trong cuộc bỏ phiếu nếu ông thất bại.

Một khu vực tại Gaza bị Israel ném bom. Ảnh tư liệu

Một khu vực tại Gaza bị Israel ném bom. Ảnh tư liệu

Theo trang mạng eurasiareview.com, sau chiến thắng bầu cử của mình, ông Netanyahu - người sẽ sớm trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất Israel - có lợi ích chính trị cần thiết để tiến hành chiến tranh chớp nhoáng. Chính trường Israel phụ thuộc lớn vào cuộc tấn công mới đây của không quân nước này ở Gaza. Ông Netanyahu đang trong giai đoạn nước rút để thành lập một liên minh mới, một chính phủ của những người cuồng tín cực hữu và các chính khách theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điều mà ông thừa nhận là không hề dễ dàng. Nếu thành công, Thủ tướng Netanyahu sẽ thành lập chính phủ thứ 5 - với 4 trong số đó có nhiệm kỳ kế tiếp liên tục.

Tuy nhiên, thách thức chính của Thủ tướng Netanyahu là hòa giải các đối tác liên minh tiềm năng khác nhau. Ông Netanyahu muốn tập hợp 6 đảng phái trong chính phủ mới của ông: đảng Likud của ông (vốn có 35 ghế trong Quốc hội), hai đảng tôn giáo Shas (8 ghế) và United Torah Judaism (8 ghế), cùng đảng Yisrael Beiteinu của ông Avigdor Lieberman (5 ghế), Liên minh Các đảng Cánh hữu (5 ghế) và đảng trung dung Kulanu (4 ghế).

Thế nhưng, làm thế nào ông Netanyahu có thể duy trì hòa bình giữa các đồng minh khác nhau và điều này liên quan tới việc đánh bom Dải Gaza như thế nào? Thủ tướng Netanyahu cho ném bom Dải Gaza bởi đây là yêu cầu thống nhất duy nhất trong số các đồng minh của ông này. Ông ta cần đảm bảo với họ về cam kết duy trì sức ép trước sự kháng cự của Palestine, về việc duy trì bao vây Dải Gaza và đảm bảo an toàn cho các thị trấn và khu định cư phía Nam của Israel.

Ngoại trừ điều đó, gần như các đảng phái này không có điểm nào chung. Yisrael Beiteinu và các đảng chính thống hiếm khi nhất trí về một số vấn đề cơ bản. Mặc dù kết quả của đảng Yisrael Beiteinu trong cuộc bầu cử không mấy ấn tượng, nhưng ảnh hưởng của ông Lieberman vượt ra ngoài con số đó. Ông Lieberman đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 11-2018 để phản đối cái được cho là “sự thỏa hiệp với khủng bố” của ông Netanyahu, nhưng ông đã thành lập một liên minh mạnh mẽ với các thị trấn phía Nam giáp ranh Dải Gaza đang bị bao vây. Trong nhiều năm, ông Lieberman đã bày tỏ sự đoàn kết với họ và đã lợi dụng điều này mỗi khi ông muốn gây sức ép hay thách thức Thủ tướng Netanyahu.

Cho dù có những lời phàn nàn liên tiếp, nhưng cộng đồng người Israel ở miền Nam nước này vẫn chứng kiến sự tăng trưởng cả về kinh tế và dân số. Thực tế này khiến khu vực đó trở thành trung tâm chú ý của các chính khách Israel, với việc tất cả chính khách tìm cách “cầu cạnh” các lãnh đạo và nhận được sự ủng hộ cho những lĩnh vực kinh tế mở rộng.

Điểm mạnh của họ trong cuộc bầu cử mới đây khiến các yêu cầu và kỳ vọng của những lãnh đạo cộng đồng phía Nam Israel trở thành tiêu điểm trong chính trường Israel. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một trong các điều kiện mà ông Lieberman đặt ra để gia nhập liên minh của Thủ tướng Netanyahu là tăng cường sự bao vây của Israel vào Dải Gaza và dập tắt sự kháng cự ở Dải Gaza.
Sau cái chết của 4 người Israel do vụ nã pháo tại Dải Gaza, các chính khách Israel tìm cách thể hiện sự ủng hộ với những người dân phía Nam, đòi hỏi tăng cường bạo lực. Trạng thái “phấn khích” nhờ sự ủng hộ này đã truyền cảm hứng cho Thị trưởng TP Sderot, ông Alon Davidi, kêu gọi xâm lược Dải Gaza.

Theo eurasiareview.com, rõ ràng là, vụ tấn công mới nhất vào Dải Gaza nhằm phục vụ lợi ích của tất cả các đối tác liên minh tiềm năng của ông Netanyahu. Dù một lệnh đình chiến đã được tuyên bố, nhưng các hành động bạo lực do Israel khởi xướng sẽ gia tăng một khi liên minh này được thành lập, bởi để thỏa mãn các đối tác, ông Netanyahu sẽ cần liên tục tấn công Dải Gaza.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-israel-se-tiep-tuc-danh-bom-gaza-148246.html