Vì sao Israel vừa chuyển vaccine, Palestine đã trả lại?

Việc phá vỡ thỏa thuận vaccine đã làm nảy sinh nhiều thuyết âm mưu, tiếp tục khiến mối quan hệ giữa Israel và Palestine rạn nứt.

Khoảng 5 triệu người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza vẫn chưa được tiếp cận với nguồn cung vaccine ngừa Covid-19. Trong khi đó, hầu hết người dân ở đất nước láng giềng Israel đã quay trở lại cuộc sống bình thường, theo Washington Post.

Hôm 18/6, giới chức Israel vui mừng khi hoàn tất thỏa thuận ba bên giữa nước này với Palestine và nhà cung cấp vaccine Pfizer. Theo đó, Israel sẽ vận chuyển hơn 1 triệu liều vaccine cho Palestine, trong khi Palestine cung cấp số vaccine tương tự cho Israel vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz đã viết trên Twitter rằng “việc trao đổi vaccine là vì lợi ích của các bên”. Ông Horowitz cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy “sự hợp tác giữa Israel và Palestine”.

Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã hủy bỏ thỏa thuận. Quyết định này được đưa ra sau khi Palestine phát hiện lô hàng đầu tiên từ Israel, gồm 100.000 liều vaccine Pfizer, hết hạn sớm hơn dự kiến.

 Người dân Israel tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Getty.

Người dân Israel tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Getty.

Thỏa thuận vaccine thất bại

Trong cuộc họp báo tối ngày 18/6, Bộ trưởng Y tế Palestine Mai al-Kaila tuyên bố họ đã kiểm tra lô vaccine đầu tiên và phát hiện ra chúng không đạt tiêu chuẩn để sử dụng. Do đó, phía Palestine quyết định hoàn trả lô hàng, đồng thời hủy bỏ thỏa thuận tiếp nhận vaccine.

“Họ nói vaccine sẽ hết hạn vào tháng 7 hoặc tháng 8, như vậy sẽ có nhiều thời gian để sử dụng. Song thời gian hết hạn trên thực tế lại vào tháng 6. Chúng tôi không đủ thời gian sử dụng nên đã hủy bỏ thỏa thuận”, Bộ trưởng Y tế Palestine Mai Alkaila cho biết.

Bộ Y tế của Israel tuyên bố họ sẽ không nhận lại những liều vaccine từ Palestine. Nước này cho biết số vaccine sẽ bị hủy bỏ nếu chính quyền Palestine từ chối tiếp nhận.

Quyết định phá vỡ thỏa thuận một cách đột ngột đã làm nảy sinh nhiều thuyết âm mưu.

Khi thỏa thuận phản tác dụng

Thỏa thuận trao đổi vaccine hoàn thành chỉ trong vài tháng, song các điều khoản chi tiết đều được thông báo tới những bên liên quan, Washington Post dẫn lời một quan chức Israel giấu tên. Quan chức này tiết lộ phía Israel ưu tiên chuyển giao những liều vaccine có hạn ngắn nhất.

Nguồn tin này cũng cho biết Israel muốn tài trợ ống tiêm và các thiết bị y tế khác để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng cho Palestine. Song phía Palestine đã từ chối lời đề nghị này.

Sau khi thỏa thuận bị hủy bỏ, nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng Israel muốn “đầu độc” người Palestine bằng những liều thuốc hết hạn sử dụng. Các nhà hoạt động đối lập ở Palestine đang kêu gọi một cuộc điều tra về thỏa thuận vaccine và các bên tham gia ký kết.

Một quan chức thuộc lực lượng Fatah bày tỏ ý kiến: “Chúng tôi có thể tự mua vaccine và chúng tôi không cần sự trợ giúp từ Israel”.

Người này nhận xét chính quyền Palestine hiện không nhận được sự đồng thuận từ người dân. Ông còn cho rằng chính quyền có thể mất đi tính hợp pháp nếu thất bại trong chiến dịch tiêm chủng, thể hiện ở việc hủy bỏ thỏa thuận vaccine.

Trong năm qua, Palestine đã tiếp nhận vaccine ngừa Covid-19 thông qua COVAX, chương trình hỗ trợ vaccine toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Nhiều nước như Nga, Trung Quốc, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng trực tiếp gửi vaccine cho Palestine, dù không đúng như tốc độ dự kiến.

Bộ trưởng Y tế Palestine Mai Alkaila hôm 19/6 cho biết khu vực Bờ Tây ghi nhận thêm 106 ca mắc và một ca tử vong vì Covid-19. Dải Gaza cũng có thêm một bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày này.

Theo bà Alkaila, chỉ 270.800 người trong số khoảng 5 triệu người Palestine sống ở Bờ Tây và Gaza đã được tiêm phòng đầy đủ. Khoảng 174.800 người khác mới được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Người dân tại Bờ Tây và Dải Gaza tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: New York Times.

Phần lớn khu vực Bờ Tây nằm dưới sự quản lý của Israel. Suốt nhiều tháng, các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Israel, với tư cách quốc gia đang chiếm đóng, phải cung cấp sự hỗ trợ về mặt y tế, đồng thời thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng cho người Palestine.

Dù vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục khẳng định rằng chính quyền Palestine phải tự chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng, dựa trên các điều khoản của hiệp định Oslo.

Ông Mustafa Barghouti, một bác sĩ người Palestine kiêm nhà hoạt động chính trị, cho biết: “Israel đã từ chối tiêm vaccine cho chúng tôi trong một thời gian dài, ngay cả khi họ có sẵn hàng triệu liều vaccine”.

“Giờ đây, khi vaccine sắp hết hạn, họ lại muốn thực hiện thỏa thuận này”, ông Barghouti nêu lo ngại.

Từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vào tháng 12/2020, Israel đã tự xưng là “nhà lãnh đạo vaccine toàn cầu”. Nước này mua thành công hàng triệu liều vaccine với chi phí đắt đỏ, đồng thời hợp tác với Pfizer để chia sẻ dữ liệu.

Đến ngày 15/6, nước này gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang tại hầu hết địa điểm trong nhà, sau khi nhiều chuyên gia y tế kết luận Israel đã đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng.

Uyên Uyên

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-israel-vua-chuyen-vaccine-palestine-da-tra-lai-post1229388.html