Vì sao Italia rút khỏi một dự án hợp tác với Nga?

Ngày 24/10, Eni (Italia) chính thức thông báo rút khỏi một dự án chung với Rosneft (Nga) – đề án tìm kiếm hydrocacbon trên thềm lục địa biển Đen.

Rosneft và Eni có thỏa thuận về thăm dò và phát triển các khu vực trung tâm Barents và Fedyn trong vùng biển Barents, cũng như khu vực phía Tây của biển Đen.

Trong năm 2012, các công ty liên doanh Barentsmorneftegaz, Fedynskmorneftegaz và Shatskmorneftegaz được thành lập cho các dự án này, trong mỗi liên doanh Eni nhận được 33,33% cổ phần.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Eni hoàn toàn chịu chi phí cho công việc thăm dò địa chất cho đến thời điểm phát hiện trữ lượng hydrocacbon thương mại.

Vào tháng 5 năm 2017, hai công ty đã đồng ý mở rộng hợp tác bằng cách thỏa thuận về các giếng khoan trong khu vực biển Đen và vùng biển Barents.

Tổng nguồn tài nguyên cho các dự án chung của Rosneft và Eni khi đó được ước tính khoảng 3 tỷ tấn dầu và 1,5 nghìn tỷ m3 khí.

Nhưng dự án ở Biển Đen phát triển không được tốt lắm.

Việc khoan giếng thăm dò – thẩm lượng Maria-1 tại khu vực lòng đất đáy biển ở biển Đen (Val Shatskogo) Rosneft và Eni bắt đầu thực hiện vào tháng 12 năm 2017.

Val Shatskogo hóa ra là một khu vực có cấu trúc địa chất phức tạp được xác định là lớn nhất ở biển Đen.

Việc khoan giếng được thực hiện bởi giàn khoan bán chìm (FPSU) Scarabeo-9 thuê từ Saipem, một công ty con của Eni.

Độ sâu dự tính của giếng là 6.125 m, nhưng độ sâu thực tế chỉ là 5.265 m.

Kết quả, một cấu trúc cacbonat độc đáo với độ dày hơn 300 m đã được phát hiện, là một hồ chứa đứt gãy, với xác suất cao chứa hydrocacbon.

Thực trạng này đã truyền cảm hứng cho sự tự tin trong việc phát hiện các mỏ dầu và khí đốt lớn ở vùng biển Đen thuộc Nga, Rosneft cho biết sau khi có kết quả khoan giếng Maria-1.

Tuy nhiên, xác suất vẫn chỉ là xác suất, còn trên thực tế thì các công ty đã không thể tìm thấy trữ lượng dầu thương mại.

Ngoài ra, Eni còn phải chịu một áp lực rất lớn trước nguy cơ dính lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vấn đề ở chỗ việc khoan giếng Maria-1 được bắt đầu sau khi Hoa Kỳ công bố các lệnh trừng phạt mới.

Do bị Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách cần theo dõi nên Eni đã phải vận dụng tất cả các phương tiện có thể có để chứng minh rằng bản thân mình tuân thủ nghiêm túc các quy định của lệnh trừng phạt.

Vì vậy, trước khi bắt đầu khoan giếng thăm dò, Eni đã xin phép chính quyền Hoa Kỳ và sau khi được chấp thuận thì mới dám bắt tay vào khoan giếng.

Như vậy, việc Eni rút ra khỏi dự án ở biển Đen không liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Công ty thực hiện quyền rút lui sau khi hoàn thành việc khoan giếng Maria-1, có lẽ là do thất vọng với kết quả khoan.

Đối với Rosneft, đây là một thời điểm rất nhạy cảm, bởi vì sau khi ExxonMobil rời khỏi các dự án chung với Rosneft, Eni vẫn là đối tác phương Tây chính của Rosneft trong các dự án ở Nga.

Vào tháng 5 năm 2018, Rosneft khẳng định rằng việc hợp tác với Eni trong khuôn khổ các dự án trên thềm lục địa Nga vẫn được tiếp tục thực hiện.

Thật vậy, Eni vẫn tiếp tục tham gia vào dự án chung với Rosneft ở biển Barents.

Các khu vực lòng đất ở vùng Trung Barents và các lô lòng đất Fedyn nằm trong “vùng xám” trước đây của biển Barents, vốn từ lâu đã là vùng lãnh hải tranh chấp giữa Nga và Na Uy.

Những kỳ vọng chính vào các lô lòng đất Fedynsky, theo Rosneft, bao gồm 9 cấu trúc đầy hứa hẹn với tổng tài nguyên hydrocacbon có thể thu hồi là 18,7 tỷ thùng dầu quy đổi.

Tuy nhiên, những yếu tố điều kiện có thể dẫn tới khả năng tạm đình chỉ các dự án của Rosneft và Eni trên thềm lục địa của biển Barents hiện cũng đang được thảo luận.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-italia-rut-khoi-mot-du-an-hop-tac-voi-nga-519057.html