Vì sao khó dẹp 'chợ cóc' ở Hà Nội?

Trên địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, giải tỏa 'chợ cóc', chợ tạm luôn là vấn đề nhức nhối.

Chợ tạm khu vực Ngã Tư Sở

Chợ tạm khu vực Ngã Tư Sở

Chỉ cần dành thời gian vài tiếng đồng hồ trong các khung giờ bất kể buổi sáng hay buổi chiều hẳn ai cũng có thể dễ dàng thấy được “sức sống” của hàng loạt chợ “cóc”, chợ tạm ở nhiều nơi thuộc địa bàn TP Hà Nội. Khảo sát quanh các con phố Hà Nội, dễ dàng bắt gặp hàng loạt chợ cóc hoạt động sôi nổi. Theo ghi nhận, tại cuối ngõ 89, ngách 31/18 Nguyễn Phong Sắc, ngõ số 2 Phan Văn Trường (quận Cầu Giấy) gần đây tấp nập người mua bán các mặt hàng phục vụ cuộc sống. Đủ mặt hàng được các tiểu thương bày bán, từ những phản thịt, hoa quả, hàng rau cho đến hàng ăn sáng… Không những vậy, ở đây còn có các bãi đỗ xe ô tô nên việc đường bé, chợ đông khiến cho giao thông khu vực trở nên lộn xộn.

Tương tự, đi qua đoạn đường cạnh chợ Ngã Tư Sở, chắc chắn ai cũng phải bịt mũi đi cho nhanh. Tại đây, vào nửa đêm về sáng tất cả các ngày trong tuần, quãng đường này biến thành chợ với mặt hàng chủ yếu là rau quả, tôm cá… Lúc chợ mãn phiên, vảy cá, nước thải rửa vương vãi đầy đường. Cả khu vực lúc nào cũng bốc mùi khó chịu...

Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 400 chợ chính, trong đó riêng các quận nội thành có hơn 100 chợ truyền thống. Bình quân một quận nội thành có 10 chợ truyền thống. Tuy nhiên, người dân tại một số khu vực, đặc biệt là các khu dân cư, khu đô thị mới không muốn đi chợ này thay vào đó là những ngôi chợ tạm, “chợ cóc” tràn lan nơi rìa đường. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do việc mua sắm ở chợ cóc, chợ tạm rất nhanh chóng và thuận tiện.Tuy nhiên, có một điểm chung tại các chợ tạm, “chợ cóc” là phần lớn các loại rau, quả, thực phẩm, gia cầm, thủy sản, hải sản được bày bán đều không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, các phế phẩm từ giết mổ cá, gà, vịt... tại “chợ cóc” thường vứt bừa bãi trên vỉa hè hoặc sát lề đường. Rác, nước thải đổ ngay tại chỗ, chất đống chậm thu dọn bốc mùi hôi tanh.

Những năm qua TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt trong việc dẹp “chợ cóc”, chợ tạm nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Hệ lụy nhãn tiền do việc chậm trễ xử lý này là, việc buôn bán tại các chợ tạm, “chợ cóc” không chịu sự quản lý của các lực lượng chức năng, đa phần người bán từ các nơi khác trở về nên giá cả không ổn định, hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, việc người mua, người bán chen chúc nhau còn tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Tại nhiều khu chợ, người xe chen chúc sẽ rất khó khăn trong xử lý khi có sự cố, hỏa hoạn…

Là một khách hàng thường xuyên ghé vào mua thực phẩm ở chợ Ngô Sĩ Liên, Chị Nguyễn Thu Hằng (ở Văn Miếu, Đống Đa) chia sẻ: “Do đi làm về muộn nên tôi thường mua thực phẩm ở những chợ tạm. Việc vào chợ truyền thống sẽ mất nhiều thời gian còn về độ an toàn của thực phẩm tôi thấy không khác nhiều so với đồ trong chợ hay ở siêu thị. Hơn nữa, tôi chủ yếu mua hàng của người quen nên khá yên tâm”. Vì đã quen với việc ghé vào chợ cóc, chợ tạm mua đồ nên ý thức của người dân về chất lượng cũng như độ an toàn của các thực phẩm được bày bán trong chợ có phần bị xem nhẹ.

Khách quan nhìn nhận, việc họp chợ tạm, “chợ cóc” kể cả sau khi giải tỏa vẫn diễn ra cho thấy trong quá trình triển khai, chính quyền tại một số địa phương đôi lúc còn chưa quyết liệt, triệt để. Để giải quyết vấn đề “chợ cóc”, chợ tạm một cách hiệu quả, chính quyền địa phương cần chịu trách nhiệm trong giải tỏa các tụ điểm này, quản lý địa bàn sát sao, chặt chẽ, không để tái diễn.

Hơn hết, các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng cần quan tâm trong tạo điều kiện cho người dân vào buôn bán tại các khu chợ tập trung để vừa giúp họ bảo đảm đời sống vừa từng bước khắc phục một cách triệt để các khu “chợ cóc”, chợ tạm. Cùng với đó, về lâu dài cần nghiên cứu, bố trí, xây dựng hệ thống chợ dân sinh một cách hợp lý. Trước tiên nên rà soát diện tích đất xen kẹt để bố trí địa điểm buôn bán tạm cho người dân. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống sao cho thuận tiện mua sắm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại phí để hỗ trợ tiểu thương, tăng sức cạnh tranh với hàng rong, “chợ cóc”.

Đối với người tiêu dùng, cần xây dựng thói quen tìm đến các khu chợ tập trung, chợ chính, các trung tâm thương mại thay vì mua hàng ở các “chợ cóc”, chợ tạm. Đây không chỉ là việc làm vì sức khỏe của chính bản thân người tiêu dùng mà còn là cách góp sức hữu ích trong việc loại bỏ “chợ cóc”, chợ tạm để giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của Thủ đô Hà Nội.

Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/do-thi/vi-sao-kho-dep-cho-coc-o-ha-noi-440017.html