Vì sao không nên tự ý tiêm vắc-xin BCG ngừa lao phòng COVID-19?

Sau thông tin về việc Bệnh viện Phổi T.Ư chủ trì phối hợp với một số đơn vị khác sẽ tiến hành thử nghiệm tiêm vắc-xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu, nhiều người dân quan tâm đến việc liệu tiêm vắc-xin này có thể phòng chống được COVID-19 hay không.

Về vấn đề này, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc-xin phòng lao (BCG) được sử dụng trong Chương trình từ hơn 30 năm nay và là một trong những vắc-xin cơ bản dành cho trẻ nhỏ, được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh.

Vắc-xin BCG có hiệu quả phòng các thể lao màng phổi và lao màng não. Nó có hiệu quả phòng mắc lao phổi, nhưng hiệu quả yếu hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học và ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao thì vắc xin không có hiệu quả.

Hiện nay một số thông tin đề cập đến hiệu quả của vắc-xin BCG đối với một số nhiễm trùng. Để tránh các thông tin gây hiểu nhầm, ngày 12/4 Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra thông báo chính thức về việc chưa có các bằng chứng chính xác về việc vắc-xin phòng lao có thể giúp phòng bệnh COVID-19.

WHO không khuyến cáo sử dụng vắc-xin BCG cho phòng nhiễm SARS-COV2. WHO yêu cầu các nước có bệnh lao lưu hành phổ biến cần tiếp tục triển khai vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao, trẻ sơ sinh thường xuyên có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn này từ môi trường xung quanh. Vắc-xin BCG không có hiệu quả nếu trẻ đã bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao. Vì vậy để phòng bệnh hiệu quả cho con, các chuyên gia y tế khuyên các gia đình cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Vắc-xin dạng đông khô, đóng gói 10 liều/lọ, đi kèm lọ dung môi để pha hồi chỉnh khi dùng. Trong 5 năm gần đây vắc-xin này cũng đã được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ cho người lớn với liều 0,1 ml (cùng thể tích nhưng hàm lượng BCG gấp đôi liều tiêm cho trẻ em dưới 1 tuổi) để đáp ứng yêu cầu tiêm vắc-xin BCG cho học sinh, sinh viên, người lớn khi đi học tập, lao động ở các quốc gia yêu cầu tiêm vắc xin BCG trước khi nhập cảnh.

Tại Việt Nam, chỉ khuyến cáo sử dụng vắc-xin BCG cho người lớn làm các nghề có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi khuẩn lao.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư khuyến cáo không tiêm vắc-xin BCG cho người lớn nếu không có chỉ định của bác sĩ. Theo PGS Nguyễn Viết Nhung: “Dù Việt Nam có triển khai nghiên cứu, thì người dân cũng tuyệt đối không tiêm vắc-xin BCG cho người lớn. Bởi gần đây đã có một thanh niên ở Nhật Bản gặp biến chứng sau tiêm vắc-xin BCG để phòng COVID-19”.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, ước tính tỷ lệ người dân Việt Nam có vi khuẩn lao cao nên không tự ý tiêm vắc-xin BCG vì sẽ có phản ứng không mong muốn. Các đơn vị liên quan đến tiêm chủng cũng không nên tích trữ vắc-xin này, có thể dẫn đến rối loạn thị trường.

Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, trong thời gian tới Việt Nam có khoảng 800 người gồm y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính, được tiêm thử nghiệm vắc-xin BCG để phục vụ nghiên cứu.

“Vắc-xin BCG không đủ khả năng bảo vệ con người không bị mắc COVID-19. Nó chỉ giúp cho việc hạn chế các ca bệnh nặng. Giả thiết này chưa được khẳng định. Việt Nam đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng đối với thầy thuốc tiêm lại vắc-xin BCG xem có tác dụng gì không. Bộ Y tế đã giao cho bệnh viện của chúng tôi nghiên cứu; đồng thời phối hợp với các chuyên gia Pháp để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng sớm. Vắc-xin BCG không phải là yếu tố quyết định một người có mắc hay không mắc COVID-19, không làm giảm nguy cơ mắc COVID-19. Bất cứ ai có tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể mắc”, GS. Nhung thông tin thêm.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/vi-sao-khong-nen-tu-y-tiem-vacxin-bcg-ngua-lao-phong-covid19-1646441.tpo