Vì sao không xử lý hình sự 'chân dài' hét giá nghìn USD cho một lần 'vui vẻ'?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ xử lý hình sự đối với người môi giới mại dâm, chứa mại dâm, còn 'chân dài' bán dâm dù hét giá nghìn USD vẫn chỉ bị xử phạt hành chính lên tới 500.000 đồng. Chuyên gia pháp lý đã giải đáp về vấn đề này.

Liên quan đến việc một đường dây mua bán dâm giá ngàn đô vừa mới bị triệt phá do “tú ông” Kiều Đại Dũ (22 tuổi, quê Bình Định) cầm đầu, nhiều chuyên gia pháp lý cho biết, chiếu theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ có người thực hiện hành vi môi giới mại dâm hay chứa mại dâm mới bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Một cô "đào" trong đường dây bán dâm nghìn đô bị bắt

Một cô "đào" trong đường dây bán dâm nghìn đô bị bắt

Còn người có hành vi mua, bán dâm chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, tại Điều 3, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất. Mua dâm là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất trả cho người bán dâm để được giao cấu. Hành vi quan hệ tình dục giữa nam với nữ hoặc giữa người đồng tính vì mục đích trả tiền hoặc lợi ích vật chất đều là mua bán dâm.

Hiện, các hành vi mua, bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người mua dâm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 10.000.000 đồng. Người bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng.

Người có hành vi mua, bán dâm sẽ chỉ bị xử lý hình sự trong trường hợp: Mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329, Bộ luật Hình sự 2015) với mức hình phạt từ 1 đến 15 năm. Người bán dâm có hành vi lây truyền HIV cho người khác cũng có thể bị xử lý hình sự.

Từ đây, dư luận dấy lên mối nghi ngại là nếu không có chế tài mạnh để xử lý những người mua, bán dâm thì họ cứ tha hồ “vui vẻ”, hét giá lên tới ngàn đô, rồi nộp phạt cao nhất tới 500.000 đồng thì cũng không thấm thía vào đâu. Vậy tại sao pháp luật lại quy định như vậy?

Luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Giải đáp về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trước đây, hành vi mua, bán dâm bị cả xã hội lên án. Những người thực hiện hành vi này bị coi là vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng, vi phạm về nhân cách, lối sống nên cần phải đưa vào các trường phục hồi nhân phẩm.

Nhưng sau này, đi cùng với sự phát triển của xã hội thì nhiều người đã có suy nghĩ thoáng hơn về việc này. Thậm chí một số quan điểm còn cho rằng nên hợp pháp hóa mại dâm, bởi hành vi này không phải là quá nghiêm trọng đối với xã hội. Khi không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không được coi là tội phạm và người mua, bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính.

Trong những chủ thể này, chỉ có người thực hiện hành vi môi giới mại dâm, chứa mại dâm mới bị coi là thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vì đã tạo mọi điều kiện để hoạt động mại dâm phát triển; họ bóc lột và sống trên thân xác phụ nữ. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và cần phải xử lý nghiêm khắc.

Luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi nào bị coi là tội phạm (nguy hiểm cho xã hội), hành vi nào không được coi là tội phạm (hợp pháp và không hợp pháp) là chính sách pháp luật của từng quốc gia trong từng thời kỳ lịch sử, cụ thể là chính sách hình sự, chính sách phòng ngừa tội phạm...

Luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp.

Dưới góc độ lý luận thì một hành vi được coi là tội phạm khi các nhà lập pháp cho rằng hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội, cần phải áp dụng chế tài cứng rắn nhất là chế tài hình sự để xử lý nhằm cải tạo, giáo dục cũng như để răn đe, phòng ngừa chung.

Ở mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia thì chính sách hình sự lại khác nhau. Có những quốc gia coi hành vi mua dâm, bán dâm là nguy hiểm cho xã hội và họ quy định là tội phạm, sẽ xử lý hình sự.

Còn ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chỉ coi hành vi môi giới mại dâm, chứa mại dâm và mua dâm người dưới 18 tuổi mới là hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được xác định là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 327, Điều 328 và Điều 329, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đây chúng ta cho rằng, người bán dâm là bị mất nhân phẩm nên phải vào trường phục hồi nhân phẩm... Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện biện pháp này đã không thấy hiệu quả. Cùng với sự phát triển của xã hội, quyền con người, quyền công dân được đề cao thì trường phục hồi nhân phẩm đã bị loại bỏ.

Luật sư Cường cũng cho biết: Tổng kết hơn 10 năm thực hiện pháp lệnh Phòng chống mại dâm thì nhiều ý kiến cho rằng không quản lý được thì cho công khai, hợp pháp hóa để dễ quản lý, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng cần tăng cường tính nghiêm khắc của chế tài và áp dụng bổ sung các biện pháp khác trong đó có đăng ảnh, thông tin, công khai danh tính người mua dâm, người bán dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nơi ở, nơi làm việc... Tuy nhiên, ý kiến này cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của những nhà nghiên cứu, những người tham gia bảo vệ quyền con người.

Nhiều người cho rằng, nếu quy định và áp dụng biện pháp này thì lợi bất cập hại, hệ lụy từ biện pháp hành chính này ghê gớm hơn cả hình phạt tù. Người vi phạm hành chính sẽ có thể tan vỡ hành phúc gia đình, bị người đời cười chê, nguyền rủa, cha mẹ, anh chị em xấu hổ, họ không còn cơ hội hoàn lương, làm lại cuộc đời... Vì vậy đến nay, pháp lệnh Phòng chống mại dâm vẫn chưa được sửa đổi, thay thế.

Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-khong-xu-ly-hinh-su-chan-dai-ban-dam-het-gia-nghin-usd-a397608.html