Vì sao Kim Dung được mệnh danh 'Võ lâm minh chủ' về sách kiếm hiệp?

Trên MXH Weibo của Trung Quốc, rất nhiều người hâm mộ và cả những diễn viên nổi tiếng đã đăng tải những dòng trạng thái thể hiện sự tiếc thương sâu sắc khi hay tin tiểu thuyết gia được hàng vạn người yêu thích đã rời bỏ thế giới này.

Theo thông tin đăng tải trên nhiều tờ báo Trung Quốc, nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94.

Nhà văn trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hong Kong sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, con rể của ông là Wai Cheong đã xác nhận thông tin này.

Sau khi thông tin được công bố, nhiều nghệ sĩ đã đồng loạt chia sẻ tiếc thương trước sự ra đi của một trong những cây viết hàng đầu Trung Quốc.

Trên MXH Weibo của Trung Quốc, rất nhiều người hâm mộ và cả những diễn viên nổi tiếng đã đăng tải những dòng trạng thái thể hiện sự tiếc thương sâu sắc khi hay tin tiểu thuyết gia được hàng vạn người yêu thích đã rời bỏ thế giới này.

Nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94.

Nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ông là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc đương đại, được mệnh danh là "Võ lâm minh chủ" về sách kiếm hiệp. Ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.

Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông có "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Lục Mạch Thần Kiếm", "Thiên Long Bát Bộ"...

Ông được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc và cộng đồng người nói tiếng Hoa nhiều thập niên qua.

Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất.

Tiểu thuyết Kim Dung tạo ra cơn sốt “Kim học” thời thập niên 1980, điều mà những danh gia như Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh hay Ôn Thụy An có mơ cũng không được. Thậm chí năm 1994, các giáo sư khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Bắc Kinh đưa Kim Dung vào vị trí thứ tư trong Top 10 đại sư nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc.

Các tác phẩm của Kim Dung được chuyển thể thành phim đều gây tiếng vang lớn.

Theo nhà nghiên cứu văn học Trần Mặc, tác giả cuốn Võ hiệp ngũ đại gia (NXB Trẻ - 2003), điểm đặc sắc nhất của tiểu thuyết Kim Dung là “nhã tục cộng hưởng” (người cao nhã và bình dân đều say mê). Chúng vượt qua ranh giới phân chia “nhã” và “tục”, vượt ra ngoài biên giới của tiểu thuyết võ hiệp.

Tác phẩm Kim Dung cũng tả võ, chuyện hành hiệp trượng nghĩa và những biến ảo ly kỳ của giới giang hồ giống như bao cuốn “truyện chưởng khác”. Nhưng Kim Dung có lẽ là tác gia tiểu thuyết võ hiệp duy nhất không chỉ mô tả võ như cách đánh nhau, mà ông nghệ thuật hóa, cá tính hóa, thậm chí triết lý hóa võ công. Đơn cử, cuộc đấu nội lực của Âu Dương Phong, Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công trên đảo Đào Hoa trong Xạ điêu anh hùng truyện chẳng khác gì một màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.

Tiểu thuyết võ hiệp đương nhiên phải viết về hiệp khách, những người chuyên hành hiệp trượng nghĩa. Chính điểm này khiến loại hình văn học này dễ đi vào lối mòn, thiếu sự sáng tạo. Như Lương Vũ Sinh luôn bị chê là chỉ viết về “người tốt việc tốt”. Còn nhân vật của Cổ Long quanh đi quẩn lại chỉ có vài ba dạng người.

Ngược lại, các nhân vật của Kim Dung rất sinh động và đa dạng. Trần Gia Lạc của Thư kiếm ân cừu lục có vẻ là hiệp khách lý tưởng, nhưng bản chất yếu đuối tự ti, thậm chí là hèn. Quách Tĩnh có thể coi là đại hiệp 100% duy nhất trong truyện Kim Dung, tuy nhiên xuất thân thấp kém, chỉ là một cậu bé khù khờ.

Trong khi đó, Dương Quá xuất thân có vết nhơ, cha nuôi là đại ác nhân Âu Dương Phong, phản bội sư môn (Toàn Chân giáo) nhưng lại là người trượng nghĩa. Trương Vô Kỵ xuất thân nửa chính nửa tà (cha là học trò phái Võ Đang, mẹ là đường chủ Thiên Ưng giáo). Còn Vi Tiểu Bảo là một tên lưu manh mạt hạng, sinh ra và lớn lên trong lầu xanh, mang bản năng sinh tồn cực mạnh.

Ở tiểu thuyết Kim Dung, con người là trung tâm, không hề bị công thức hóa như trong truyện của các tác giả võ hiệp khác, do đó đáp ứng đúng tiêu chuẩn “văn học là nhân học”. Nhờ đó, truyện Kim Dung thoát khỏi biên giới của tiểu thuyết võ hiệp, của "tục văn học", để trở thành văn học chân chính.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Mặc, Kim Dung còn có một kỳ chiêu khác nữa, giúp ông khẳng định vị thế tông sư nghệ thuật tiểu thuyết. Đó là chất ngụ ngôn trong mỗi tác phẩm.

Chất ngụ ngôn còn đến từ từng nhân vật, từng câu chuyện nhỏ trong tiểu thuyết Kim Dung. Đằng sau cuộc đời bi thảm của Tạ Tốn, sự tàn độc của Công Tôn Chỉ, bước ngoặt từ chính thành tà của Hoa Thiết Cán, câu chuyện áo hoa của Khang Mẫn… đều chứa đựng những quan niệm sâu sắc về con người, về cuộc sống.

Chắc chắn Kim Dung mãi mãi là đỉnh cao của tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa.

Vũ An

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/showbiz-quoc-te/vi-sao-kim-dung-duoc-menh-danh-vo-lam-minh-chu-ve-sach-kiem-hiep