Vì sao lãi suất được dự báo khó giảm trong thời gian tới?

'Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Trong bối cảnh lạm phát nhích dần và những rủi ro đối với thị trường tài chính do xung đột chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, mặt bằng lãi suất được dự báo khó có cơ hội giảm trong thời gian tớI', chuyên gia Bảo Việt Securities nhận định.

Ảnh minh họa (Ảnh VPB)

Lãi suất khó giảm khi lạm phát có xu hướng tăng

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Bảo Việt Securities cho thấy lãi suất liên ngân hàng trong tháng 5 nhìn chung khá ổn định bất chấp xung đột thương mại Mỹ – Trung leo thang trở lại. Lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần dao động quanh mức 3,3%/năm trong tháng 5.

NHNN có hoạt động bơm/hút vốn ròng xen kẽ giữa các tuần trong tháng 5. Lũy kế từ đầu năm đến nay, NHNN đang ở vị thế hút ròng khoảng 115 nghìn tỷ đồng qua kênh OMO và tín phiếu.

Biểu đồ lãi suất liên ngân hàng thời gian qua (Nguồn BVSC)

Báo cáo của NHNN gửi các đại biểu Quốc hội cho biết, ngày càng có nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất. Trong bối cảnh đó, NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiệm ổn định lãi suất của các tổ chức tín dụng.

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đồng thời điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các tổ chức tín dụng.

Để giảm lãi suấtcho vay, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động để giảm tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và giảm giá vốn đầu vào.

Thế nhưng hiện NIM của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất sau khi mặt bằng lãi suất cho vay được kéo giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong mấy năm gần đây nên khó có thể kéo giảm thêm.

Theo BVSC, NIM của toàn ngành trong năm 2019 được dự báo ở mức khoảng 3,2%, thậm chí một số ngân hàng sẽ gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức cao. Trong khi theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, để hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, NIM phải đạt ít nhất là 3,5%.

Như vậy, muốn giảm thêm lãi suất cho vay, giải pháp duy nhất là phải giảm được lãi suất huy động. Thế nhưng điều đó cũng rất khó trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng cao như hiện nay.

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?

Theo khảo sát của PV báo Lao Động tại 29 ngân hàng thương mại, trong tháng 6.2019, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên khoảng 8,5 -8,7% năm cho các kì hạn dài trên 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở các kì hạn

Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank với mức 8,7% cho kì hạn 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiện trực tuyến.

Ở kì hạn 6 tháng, mức độ cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng bắt đầu thấy rõ, chênh lệch lên tới 3%. Hai ngân hàng công bố lãi suất ngân hàng kì hạn 6 tháng cao nhất trong tháng 6.2019 là Nam A Bank và SCB ở mức 8%.

Từ kì hạn 12 tháng trở lên, sự phân hóa cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn. Có tới 11 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 8%/năm. Đứng đầu danh sách là VIB với mức lãi suất 8,6% (áp dụng cho khách hàng gửi kì hạn 12 tháng với số tiền gửi 500 tỉ đồng trở lên).

Mức chênh lệch lãi suất huy động rõ rệt tại kì hạn 24 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Viet Capital Bank và TPBank cùng niêm yết ở mức 8,6%.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/vi-sao-lai-suat-duoc-du-bao-kho-giam-trong-thoi-gian-toi-738128.ldo