Vì sao lãnh đạo Bộ GTVT bảo vệ trạm thu phí BOT Cai Lậy?

Mặc dù còn rất nhiều bất cập xung quanh dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang), nhưng lãnh đạo Bộ GTVT đều cho rằng vị trí đặt trạm thu phí trên QL1 là hợp lý, không thể di dời. Bộ GTVT đang chấp nhận tình trạng “phí chồng phí”, gây gánh nặng đóng góp cho người dân.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên QL1. Ảnh: Infonet

Vị trí đặt trạm thu phí trên QL1 là hợp lý

Đó là quan điểm thống nhất của lãnh đạo Bộ GTVT khi phát biểu với báo chí về dự án BOT Cai Lậy.

Ngày 11.8, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT - khẳng định với báo chí: "Trước mắt, trạm BOT Cai Lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời vị trí hay giảm phí ở trạm BOT này".

Ngày 16.8, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt: “Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn về lý do quyết tâm không di dời trạm thu phí này vào đường tránh?”, Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Trương Quang Nghĩa khẳng định: “Người ta đặt trạm thu phí ở đấy là đúng rồi!”.

Ngày 17.8, tại cuộc họp báo về dự án nói trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định việc đặt trạm ở vị trí hiện nay đã được nghiên cứu kỹ và được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành cũng như địa phương.

“Riêng Cai Lậy nằm trên phạm vi dự án và căn cứ vào phương án tài chính, khi phê duyệt dự án đều có lấy ý kiến của cơ quan như địa phương, HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc căn cứ phương án tài chính là hài hòa lợi ích để vừa có đường tốt để đi nhưng nhà đầu tư phải cân đối vốn, có lợi nhuận, người cấp vốn cũng phải xem khả thi người ta mới cấp vốn”, ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Phí chồng phí

Không khó hiểu khi Bộ trưởng và hai Thứ trưởng Bộ GTVT đều cho rằng vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy tại QL1 là hợp lý.

Bởi vì Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư, chấp nhận cho doanh nghiệp đặt trạm thu phí tại vị trí hiện nay.

Tuy nhiên, người dân đã đóng Quỹ bảo trì đường bộ, Nhà nước có trách nhiệm duy tu, bảo trì các tuyến quốc lộ và hệ thống hạ tầng để đảm bảo giao thông.

Việc cho phép doanh nghiệp nâng cấp mặt đường quốc lộ rồi tổ chức thu phí là tạo ra hiện tượng “phí chồng phí”, đặt gánh nặng đóng góp lên vai người dân, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

“Phương án tài chính” của dự án là yếu tố Bộ GTVT đưa ra để không di dời trạm thu phí. Nói cách khác, để bảo vệ doanh nghiệp và bảo vệ chính mình (tránh kiện tụng vì đã đồng ý cho đặt trạm trên QL1), Bộ GTVT đã cho phép tồn tại trạm thu phí BOT tại vị trí không hợp lý, nếu không nói là vi phạm pháp luật.

Không thể vì bảo đảm tài chính cho doanh nghiệp, mà “hi sinh"  lợi ích của dân.

Để đảm bảo “hài hòa lợi ích” giữa các bên như quan điểm của Bộ GTVT, đặc biệt là để thực hiện đúng quy định của pháp luật, tôn trọng quyền lựa chọn của người dân theo nguyên tắc giao dịch dân sự, vụ việc không thể để cho Bộ GTVT giải quyết.Cần sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, Bộ Tư pháp, để làm rõ và giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan đến dự án.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/vi-sao-lanh-dao-bo-gtvt-bao-ve-tram-thu-phi-bot-cai-lay-550312.ldo