Vì sao loài hoa nổi bật ở Hà Giang có tên tam giác mạch?

Tháng 11, tam giác mạch khoe sắc bạt ngàn nơi núi rừng Tây Bắc, đặc biệt ở Hà Giang. Liệu kiến thức của bạn có thể trả lời đúng bao nhiêu câu hỏi dưới đây?

1. Vì sao tam giác mạch có tên như vậy?

Lá cây hình tam giác và hạt của cây ăn ngon không khác gì ngô, gạo.
Quả của cây hình tam giác và dùng làm lương thực thay gạo.
Cây thuộc họ lúa mạch nhưng lá có hình tam giác.
Lá và hạt có hình tam giác.

Theo truyền thuyết, tiên ngô và tiên gạo đi khắp nhân gian gieo hạt. Sau khi hoàn thành công việc, họ đổ mày ngô và mày trấu còn thừa xuống khe núi. Năm nọ, bản làng hết cái ăn và chìm trong nạn đói. Trong cơn tuyệt vọng, họ ngửi thấy mùi hương lạ phảng phất trong gió. Theo hướng mùi hương, họ tìm đến khe núi và phát hiện rừng hoa nhỏ li ti. Lá hình tam giác nấp dưới cánh hoa. Khi cây kết hạt, dân mang về ăn thử thấy ngon không khác gì ngô, gạo. Vì thế, họ đặt tên cho loài hoa này là tam giác mạch. Ảnh: @Tonghoangvu.

2. Tên nào sau đây không phải là tên gọi khác của tam giác mạch?

Sèo.
Kiều mạch.
Lúa mạch đen.
Răm lá lốt.

Tam giác mạch, hay còn gọi là mạch ba góc, là một loài cây họ rau răm, thân thảo có thể cao từ 0,4 m đến 1,7 m. Ngoài ra, loài cây này còn có tên gọi là lúa mạch đen, sèo hoặc kiều mạch. Ảnh:@bi_tabu.

3. Ở Việt Nam, du khách có thể ngắm hoa tam giác mạch ở đâu?

Hà Giang.
Cao Bằng.
Đà Lạt.
Cả 3 địa điểm trên.

Du khách có thể ngắm hoa tam giác mạch tại nhiều nơi như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Mộc Châu và Đà Lạt. Loài hoa này thường nở rộ vào tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, tại Cao Bằng, mùa chính của tam giác mạch là vào giữa tháng 3 và tháng 4. Ảnh: @Hoachopmua.

4. Tại Hà Giang, ngoài ngắm hoa tam giác mạch, du khách có thể đi đâu chơi?

Đèo Pha Đin.
Dinh thự của vua Mèo.
Thác Bản Giốc.
Đèo Khau Phạ.

Trong các đáp án, dinh thự của vua Mèo là địa danh duy nhất thuộc Hà Giang. Công trình này còn có tên gọi khác là Nhà Vương, tọa lạc trong một thung lũng thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Khởi công vào năm 1919, Toàn bộ dinh thự có diện tích gần 3.000 m2. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. Ảnh: @ichi.traveljournal.

5. Dân tộc nào đông nhất ở tỉnh Hà Giang?

Kinh.
Tày.
Mông.
Dao.

Theo điều tra dân số năm 2016, tỉnh Hà Giang có 820.427 người. Trong đó, đông nhất là người Mông, chiếm 32%. Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về các dân tộc như Tày (23,3%), Dao (15,1%), Kinh (13.3%) và Nùng (9,9%). Ảnh: @jcfb1.

6. Dòng sông nào sau đây không chảy qua Hà Giang?

Sông Lô.
Sông Chảy.
Sông Nho Quế.
Sông Đà.

Hà Giang là vùng đất có mật độ sông suối tương đối dày đặc. Trong đó, sông Lô là con sông lớn nhất. Ngoài sông Lô, Hà Giang còn có sông Chảy, cung cấp nước chủ yếu cho khu vực phía tây của tỉnh; sông Nho Quế chảy dưới đèo Mã Pí Lèng. Sông Hồng và sông Đà không chảy qua địa phận tỉnh. Ảnh: @lissyhoogenboom.

7. Hà Giang giáp với những tỉnh nào của nước ta?

Cao Bằng, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái.
Lào Cai, Lai Châu, Bắc Cạn và Cao Bằng.
Bắc Cạn, Yên Bái, Lai Châu và Thái Nguyên.
Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Cạn và Yên Bái.

Tỉnh Hà Giang phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Trong khi đó, phía bắc tỉnh Cao Bằng giáp tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Ảnh: @bela_lugosieez.

Hà Giang mộc mạc mà hùng vĩ Hà Giang là vùng đất có những con người bình dị với nếp sống mộc mạc, nhưng thiên nhiên nơi đây lại mang vẻ đẹp hùng vĩ đặc trưng của núi rừng.

Kim Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-loai-hoa-noi-bat-o-ha-giang-co-ten-tam-giac-mach-post891294.html