Vì sao miền Trung cuối năm xảy ra nhiều vụ cháy nổ?

Vào những ngày cuối năm 2022, tại các tỉnh miền Trung lại xảy ra nhiều vụ cháy nổ. Rất may những vụ cháy chủ yếu là kho hàng, nơi tập kết hàng hóa hoặc quày tạp hóa nên không thiệt hại về người. Tuy nhiên, các vụ cháy nổ những ngày cuối năm gây thiệt hại lớn về kinh tế, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn PCCC.

Gần 21h tối ngày 3/12, tại một kho phế liệu nằm cạnh Quốc lộ 14B đoạn qua thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng bốc cháy dữ dội. Nhận thông tin, Công an huyện Hòa Vang và 8 xe của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an TP. Đà Nẵng có mặt để dập lửa. Do trong kho phế liệu chứa nhiều vật liệu dễ cháy như nhựa, gỗ... nên đám cháy bốc lên ngùn ngụt, thiêu rụi nhà kho.

Hiện tường đám cháy kho phế liệu ở TP. Đà Nẵng.

Hiện tường đám cháy kho phế liệu ở TP. Đà Nẵng.

Tối 4/12, người dân phát hiện ngọn lửa bùng phát dữ dội tại Nhà kho ở số nhà 06, Phan Chu Trinh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhà kho rộng 630m2 chứa các loại nhu yếu phẩm như mì tôm, dầu ăn, bánh kẹo. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Định đã điều động hơn 100 cán bộ chiến sĩ cùng nhiều phương tiện đến tập trung dập lửa nhưng bên trong nhà kho chứa quá nhiều hàng dễ cháy nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Ngọn lửa lan nhanh đã thiêu rụi toàn bộ nhà kho.

Không chỉ các nhà kho chứa hàng của doanh nghiệp bốc cháy mà nhiều cửa hàng tạp hóa bán lẻ cũng bị “bà hỏa” hỏi thăm. Lúc 6h30 sáng 6/12, cửa hàng tạp hóa Sáu Bé của bà Mai Thị Lan, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bốc cháy dữ dội. Toàn bộ hàng hóa mới nhập về để bán trong dịp Tết bị thiêu rụi. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt và chính quyền địa phương thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh huy động cán bộ, chiến sĩ cùng người dân địa phương tham gia dập lửa.

Xe chữa cháy chuyên dụng được điều đến hiện trường dập lửa ở Đà Nẵng.

Trước tình trạng cháy nổ dễ xảy ra vào những ngày cuối năm, lực lượng chức năng các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra về phòng cháy chữa cháy, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp vi phạm. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, việc chấp hành các quy định của các doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy chưa thực sự chủ động, một số hệ thống phòng cháy chưa được nghiệm thu đã đi vào hoạt động.

Ngày 6/12, đoàn công tác Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Định kiểm tra tại nhà xưởng sản xuất viên nén của Công ty Cổ phần năng lượng sinh học Phú Tài, thành phố Quy Nhơn. Tại đây, đoàn kiểm tra chỉ ra những tồn tại như: một số hạng mục tự cải tạo thêm so với hồ sơ thiết kế ban đầu đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt; máy móc phục vụ sản xuất chưa đảm bảo an toàn khi đặt tại vị trí dễ xảy ra cháy nổ trong quá trình vận hành.

Kiểm tra hệ thống chữa cháy tại doanh nghiệp.

Kiểm tra phòng cháy chữa cháy ở Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài cho biết: “Năm 2019, tại nhà máy này có xảy ra cháy nổ rất lớn, gần như thiêu rụi các nhà xưởng. Năm 2020, đơn vị xây dựng lại nhà xưởng, hệ thống phòng cháy chữa cháy đáp ứng được tất cả yêu cầu đặt ra về phòng cháy chữa cháy. Hiện, mức độ hàng hóa trong kho rất nhiều, thời tiết ảnh hưởng đến việc xuất hàng. Anh em trong nhà máy đặc biệt chú ý các công tác phòng ngừa cháy, các nguồn có thể gây ra cháy”.

Công an huyện Hòa Vang và xã Hòa Khương dập lửa đám cháy kho phế liệu.

Từ những vụ cháy xảy ra tại các khu dân cư cho thấy, ngõ hẻm nhỏ, quanh co, xe chữa cháy không thể vào được nên gây ra hậu quả lớn. Bên cạnh đó, việc người dân tự ý chiếm dụng đường thoát hiểm làm nơi nấu ăn, kho chứa, khu sinh hoạt riêng cho gia đình mình nên công tác phòng cháy, chữa cháy rất khó khăn, kém hiệu quả.

Ông Trương Văn Hưng, người dân phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng lo lắng: "Khu dân cư mới làm có đường phía sau, nhưng nhiều nhà tận dụng chất đồ vô, lấn chiếm để phơi đồ hay đựng đồ cá nhân của gia đình, nên nếu xảy ra cháy thì chạy không kịp".

Không chỉ các nhà kho của doanh nghiệp, nhà ở của người dân chưa được chú ý bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy mà nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, khu vực sản xuất… công tác này cũng còn nhiều bất cập.

Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết, 10 tháng qua, trên địa bàn TP. Đà Nẵng xảy ra 57 vụ cháy, trong đó 32 vụ có nguyên nhân do chập điện và 25 vụ chưa rõ nguyên nhân, nhiều vụ cháy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh như karaoke, nhà hàng, tạp hóa, bãi phế liệu... Trước thực trạng này, Công an TP. Đà Nẵng triển khai đợt cao điểm 68 ngày tổng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy các cơ sở thuộc diện quản lý. Đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra được 90% trong tổng số hơn 4.400 cơ sở do Công an quản lý về phòng cháy chữa cháy.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phun nước dập lửa trong kho phế liệu ở huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết đã đình chỉ, tạm đình chỉ 35 quán karaoke, vũ trường để bổ sung các hạng mục chưa đáp ứng về phòng cháy chữa cháy: "Chúng tôi tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố tổ chức tổng kiểm tra rà soát tất cả các cơ sở, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, và đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Hiện nay 90% trong tổng kiểm tra rà soát và cũng quyết liệt, nghiêm túc thực hiện, tức là tạm đình chỉ, đình chỉ những cơ sở không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy"./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-mien-trung-cuoi-nam-xay-ra-nhieu-vu-chay-no-post989612.vov