Vì sao Mỹ đưa Huawei vào 'danh sách đen'?

Trong một động thái ngăn chặn Trung Quốc lấn lướt với công nghệ mạng không dây 5G, Mỹ cấm các công ty, cá nhân và cơ quan chính quyền mua thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung là nhằm 'chơi trò đuổi bắt' với Trung Quốc.

Trong cuộc chạy đua trang bị công nghệ mạng 5G, tính được thua ở đây là quyền kiểm soát một trong những công nghệ quan trọng nhất mọi thời đại.

 Huawei đang là sản xuất thiết bị 5G hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa.

Huawei đang là sản xuất thiết bị 5G hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa.

Mạng không dây 5G không chỉ khiến internet chạy nhanh hơn gấp trăm lần so với tiêu chuẩn hiện nay, mà còn được ngành viễn thông xem là công cụ kiếm tiền kế tiếp, vì nó hứa hẹn sẽ kết nối mọi thứ, từ phương thiết bị gia dụng, xe không người lái cho đến thành phố thông minh và thực tế ảo, đồng thời thu về lợi ích kinh tế hàng tỉ USD cho nước nào có thể nắm công nghệ.

Trên toàn cầu, sáng tạo công nghệ là một thế lực mạnh, Mỹ muốn duy trì vị thế hàng đầu về công nghệ và Trung Quốc cũng không chịu kém. Các nghị sĩ Mỹ chỉ ra Trung Quốc là mối đe dọa chính ở lĩnh vực này. Trong khi đó, Trung Quốc có Huawei, Phần Lan và Thụy Điển có Nokia và Ericksson lo giải quyết mạng 5G, nhưng Mỹ không có nhà sản xuất phần cứng nào nhảy vào thị trường. Vấn đề bảo mật càng trở nên cấp bách khi các nhà mạng Mỹ đang phải tìm kiếm đối tác để triển khai mạng 5G.

Đây là mối quan ngại lớn cho chính phủ Mỹ và khiến Tổng thống Donald Trump ông Trump khơi cuộc chiến thương mại, khiến quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Ngày 15/5, ông Trump ký Sắc lệnh Hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi những công ty bị xếp là đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Sắc lệnh nêu: "Các đối thủ nước ngoài ngày càng tạo ra và khai thác các sơ hở trong những dịch vụ và công nghệ thông tin, viễn thông”, và ông Trump cho biết mục đích của họ là nhằm thực hiện "các hành động ác tâm, gồm gián điệp kinh tế và công nghiệp nhằm vào nước Mỹ và người dân Mỹ".

Sắc lệnh viện dẫn Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA, có hiệu lực từ năm 1977) cho phép Tổng thống Mỹ điều chỉnh hoạt động thương mại để đối phó tình trạng khẩn cấp đe dọa nước Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ có 150 ngày soạn luật để thực thi Sắc lệnh.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói Sắc lệnh sẽ giúp công nghệ Mỹ không bị nước ngoài sử dụng vào việc gây hại cho quyền lợi chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, người Mỹ sẽ có thể tin tưởng rằng dữ liệu và hạ tầng của chúng ta được đảm bảo an toàn”.

Sắc lệnh không nêu cụ thể chính quyền Trung Quốc hoặc công ty Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đưa tập đoàn viễn thông Huawei lẫn 70 chi nhánh vào Danh sách Thực thể, gồm các cá nhân, công ty hoặc công dân Mỹ mua thiết bị của Huawei thì phải xin được giấy phép đặc biệt của chính phủ Mỹ, dựa theo hàng loạt qui định kiểm soát xuất khẩu trong việc “xuất khẩu, tái xuất hoặc chuyển giao trong nước”. Đây là việc khó vì họ phải chứng minh được việc bán sản phẩm không gây tổn hại đến quyền lợi chích sách đối ngoại hoặc an ninh quốc gia Mỹ.

Sau khi ông Trump ra Sắc lệnh, người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Mỹ đang lạm dụng quyền để “bôi nhọ nham hiểm, nhằm triệt hạ một số công ty Trung Quốc”. Ông nói Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngưng mượn cớ an ninh quốc gia để đàn áp phi lý các công ty Trung Quốc, và tạo môi trường bình đẳng cho các công ty Trung Quốc đầu tư - hoạt động bình thường ở Mỹ.

Huawei ra tuyên bố “ngăn cản Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không khiến Mỹ an toàn hay mạnh hơn, thay vào đó, điều này sẽ chỉ khiến người Mỹ phải dựa nhiều hơn vào những thiết bị thay thế đắt tiền, và Mỹ tụt hậu trong cuộc chạy đua triển khai mạng 5G. Ngoài ra, những hạn chế vô cớ sẽ xâm phạm quyền lợi của Huawei và làm phát sinh những vấn đề pháp lý nghiêm trọng”.

Huawei cũng đã kiện Mỹ cấm các cơ quan chính quyền mua điện thoại Huawei, phủ nhận không hề thu thập thông tin giúp chính quyền Trung Quốc. Huawei tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận cùng chính phủ các nước, đảm bảo sản phẩm của công ty không phục vụ hoạt động do thám. Nhưng các chuyên gia phương tây chỉ ra Luật An ninh quốc gia của Trung Quốc qui định: tất cả các công ty trong nước phải giúp chính quyền thu thập tin tình báo nếu Bắc Kinh yêu cầu.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang cáo buộc Huawei trong hai vụ “ăn cắp” bí mật thương mại của T-Mobile và gian lận, và vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ nhắm vào Iran. Hồi tháng 12/2018, quan chức mảng tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu (con gái ông Nhậm Mạnh Phi) bị Canada bắt theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Bà đang chờ bị dẫn độ cho Mỹ xét xử tội lừa đảo ngân hàng HSBC bằng cách khai man hoạt động của Huawei ở Iran.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/vi-sao-my-dua-huawei-vao-danh-sach-den-163724.html