Vì sao Mỹ không muốn EU có quân đội chung?

Trong một bài phỏng vấn được đăng tải ngày 11-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu không nên tăng cường ngân sách quốc phòng để mua các loại vũ khí do Mỹ sản xuất.

Tổng thống Pháp khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn có thể thành lập đội quân chung, với vũ khí do châu Âu sản xuất. Ý tưởng này đang vấp phải sự phản đối từ Mỹ. Mà căn nguyên xuất phát từ lợi ích...

Ai mới thực sự bảo vệ châu Âu?

Trả lời phỏng vấn kênh CNN, ông Macron nêu rõ: “Tôi không muốn các nước châu Âu tăng cường ngân sách quốc phòng để mua các loại vũ khí hay nguyên vật liệu từ Mỹ. Nếu chúng tôi phải tăng cường ngân sách thì điều đó là để xây dựng quyền tự trị”.

Ông Macron chỉ trích việc Bỉ hồi tháng trước đã quyết định mua các chiến đấu cơ F-35 do Mỹ sản xuất, thay vì lựa chọn máy bay của châu Âu. Tổng thống Pháp cho rằng, đây là quyết định “đi ngược lại với những lợi ích của châu Âu”.

Trước đó, ngày 6-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu lý do để có một "quân đội châu Âu thực sự", đó là để bảo vệ chính mình trước các cường quốc như Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Mỹ. Phát biểu với đài phát thanh Europe 1, Tổng thống Macron, người đã hối thúc việc thành lập một lực lượng quân sự chung của EU kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, cho rằng châu Âu cần giảm bớt phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi một hiệp ước hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Macron nói: "Chúng ta phải bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ. Khi tôi nghe thấy Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông ấy sẽ rút khỏi một hiệp ước giải trừ quân bị chủ chốt ra đời sau cuộc khủng hoảng tên lửa thập niên 1980 làm chao đảo châu Âu, vậy ai sẽ là nạn nhân chính? Đó là châu Âu và an ninh của châu lục này".

Ông Macron còn nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không bảo vệ được châu Âu, trừ khi chúng ta quyết định có một quân đội châu Âu thực sự". Theo ông, "chúng ta cần một châu Âu có thể tự bảo vệ mình hiệu quả hơn mà không chỉ phụ thuộc vào Mỹ, theo một cách có chủ quyền hơn".

Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp trong cuộc gặp diễn ra hôm 10-11. Ảnh: ABC News.

Sau lời phát biểu trên, ở phía bên kia, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi vừa đáp xuống Paris, đã đáp lại Tổng thống Pháp trên Twitter về việc ông Macron kêu gọi thành lập một "đội quân châu Âu thực thụ" để phòng vệ trước nước Mỹ.

Những phát biểu qua lại làm bùng lên căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo. Ông Trump viết trên Twitter rằng: "Rất xúc phạm, nhưng có lẽ châu Âu trước tiên nên nộp khoản đóng góp công bằng của họ cho NATO, tổ chức mà Mỹ đang trợ cấp rất nhiều!".

Rõ ràng, phát biểu của Tổng thống Pháp là “giọt nước tràn ly” khiến ông Trump trút giận, bởi từ lâu ông Trump đã khó chịu về việc ngân sách cho quân đội của các thành viên trong NATO không đạt mức ít nhất 2% GDP quốc gia, cho rằng Mỹ phải trợ cấp cho chi tiêu quốc phòng của các nước khác.

Lời chỉ trích của Tổng thống Trump được cho là sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu, vốn đã trở nên lạnh nhạt từ khi ông nhậm chức, thêm căng thẳng.

EU muốn độc lập với NATO?

Năm ngoái, EU đã thành lập một quỹ phòng thủ chung trị giá nhiều tỷ euro nhằm phát triển các năng lực quân sự của liên minh và giúp tăng cường tính độc lập chiến lược của châu lục này. Pháp cũng là nước đang đi đầu trong việc thúc đẩy thành lập một lực lượng liên minh của 9 nước EU có khả năng triển khai nhanh chóng một chiến dịch quân sự khi cần thiết, tiến hành sơ tán khỏi vùng chiến sự, hay cung cấp cứu trợ trong các tình huống thiên tai.

Đến nay, 9 quốc gia gồm Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã hưởng ứng sáng kiến của Pháp. Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từ lâu đã ủng hộ ý tưởng EU cần có khả năng phòng thủ độc lập với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo giới chức Bộ Quốc phòng Pháp, trong môi trường nhiều đe dọa và biến động về địa chính trị cũng như khí hậu như hiện nay, sự ra đời của liên minh các lực lượng quân sự châu Âu là thông điệp “châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực”.

Sáng kiến này "không mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống” của EU cũng như của NATO, mà ngược lại, cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia.

Đánh giá về ý kiến này, Tổng thống Trump cho rằng, nước Mỹ muốn một "châu Âu vững mạnh" và sẵn sàng giúp đỡ đồng minh của mình, song châu Âu cần phải công bằng trong vấn đề chia sẻ các gánh nặng về quốc phòng. "Mỹ muốn một châu Âu vững mạnh và điều này rất quan trọng đối với chúng tôi", ông Trump nhấn mạnh.

Không đồng tình với phát biểu trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách đả phá một châu Âu "vững mạnh và đoàn kết", đồng thời cảnh báo về sự trỗi dậy của một mặt trận dân tộc chủ nghĩa "đảng viên Đức quốc xã" trong các cuộc bầu cử năm tới của EU.

Phát biểu từ Ba Lan, Chủ tịch Tusk nêu rõ: "Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta chứng kiến một chính quyền Mỹ không hứng thú với một châu Âu vững mạnh và đoàn kết". Không phải tới bây giờ, mà trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Tổng thống Trump đang tìm cách hủy hoại trật tự thế giới giai đoạn hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhà lãnh đạo Mỹ đã từng gọi EU là một đối thủ thương mại.

Trả lời phỏng vấn tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan số ra ngày 10-11, Chủ tịch Tusk cho biết ông tin rằng Tổng thống Trump muốn một thế giới mà trong đó "nước Mỹ ở một bên và bên kia là tập hợp hỗn độn các nước khác".

Liên quan tới sự thống nhất sức mạnh quốc phòng và chính trị của châu Âu, Chủ tịch Tusk cảnh báo về sự trỗi dậy của mặt trận những người theo chủ nghĩa dân tộc phản đối EU. Ông cho rằng không thể loại trừ hai dòng chảy: một là những kẻ theo tư tưởng bài châu Âu, đề cao chủ nghĩa dân tộc và một là những người muốn thúc đẩy một EU ngày càng hội nhập.

Cựu Thủ tướng Ba Lan cũng nhấn mạnh tới sự nổi lên của tư tưởng chống châu Âu tại nhiều nước, cho rằng nhiều đối tượng quá khích muốn "xung đột hơn là hợp tác, thích sự chia rẽ hơn là hội nhập".

Sáng kiến do Pháp dẫn đầu không mâu thuẫn với NATO, nhưng phần nào phản ánh một nước Mỹ bị cô lập hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhìn lại sẽ thấy, Tổng thống Macron đã đề xuất ý tưởng này cách đây hơn 1 năm nhưng vấp phải sự hoài nghi của các quốc gia khác trong EU, do trùng với việc EU ra mắt một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đầu tư quân sự chung.

Đến nay, 9 quốc gia hưởng ứng sáng kiến của Pháp đã bắt tay vào hợp tác thực sự trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng.

Dù khó khăn, EU vẫn cố gắng có một đội quân để bảo vệ chính mình, không dựa vào Mỹ. Ảnh: European Council on Foreign Relations.

Giải thích về việc tại sao cần có quân đội chung EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, với bối cảnh hiện nay, EU nên có khả năng phòng thủ, độc lập khỏi NATO. Trong môi trường nhiều đe dọa và biến động về địa chính trị hoặc khí hậu như hiện nay, sự ra đời của quân đội chung EU là cần thiết và điều này khẳng định châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực phòng vệ và bảo vệ các giá trị của EU.

Ông cũng nhấn mạnh, sáng kiến này không "mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống" của EU cũng như của NATO. Ngược lại, nó cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia.

Cần một bản sắc quốc phòng châu Âu trong tình hình mới

Vậy thì có phải ông Trump phản đối việc ra đời quân đội chung EU sẽ khiến EU có vai trò quân sự lớn hơn, từ đó có thể làm suy yếu NATO? Nhiều ý kiến khác biệt về vấn đề này đã được trình bày. Khi được hỏi về mong muốn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập Liên minh Các lực lượng quân sự châu Âu, người phát ngôn của EC, ông Margaritis Schinas, lưu ý rằng, dự án hợp tác mới của EU nghiên cứu về trang bị quốc phòng cũng như các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của EU ngoài biên giới châu Âu là sáng kiến bắt đầu xây dựng dần một bản sắc quốc phòng châu Âu, có ý nghĩa và quyết đoán hơn trong thời kỳ địa chính trị khó khăn.

Theo tướng Jean-Claude Allard, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập lực lượng quân sự riêng của EU chỉ thực sự có ý nghĩa khi EU đạt được sự thống nhất cao. Ông Jean-Vincent Brisset, tướng không quân đã nghỉ hưu và cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại IRIS, cho rằng một đội quân chung được cho là để bảo vệ người châu Âu khỏi một mối đe dọa chung, xem ra không thuyết phục.

Tướng Pháp về hưu, Jean-Paul Paloméros, cựu chỉ huy cao cấp của NATO, nói với truyền hình Pháp rằng, Tổng thống Macron có đề xuất tốt nhưng các nước thành viên EU sẽ phải quyết định liệu họ có muốn trở thành một phần của quân đội chung châu Âu hay không.

Còn chuyên gia quân sự Pháp Philippe Migault lại nghĩ ý tưởng của Tổng thống Macron là vô lý vì xuất phát "từ một người đứng đầu nhà nước không biết gì về vấn đề quân sự". Theo ông Migault, NATO vẫn là lực lượng không thể thay thế, cho cả người châu Âu.

Chủ tịch đảng Những người Cộng hòa của Pháp, ông Laurent Wauquiez, cho rằng thay vì thành lập lực lượng quân sự riêng cho EU, Pháp và Đức nên cùng nhau làm cho lực lượng quân sự của họ đi đầu trong việc bảo vệ EU.

Đáp lại suy nghĩ của những viên tướng, những người am hiểu về quân sự, nhìn ở góc độ chính trị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu là "nạn nhân chính" của việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký kết với Nga nên đã đến lúc lục địa này cần phải tự vệ. Theo đó, EU cần thành lập "một quân đội thực sự" để có thể tự vệ tốt hơn.

Ông Macron nói thêm rằng châu Âu cần phải giảm sự lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ, ít nhất không phải sau khi ông Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước INF thời Chiến tranh Lạnh. Ông Macron nói: “Pháp sẽ không bảo vệ được người dân EU trừ phi chúng ta quyết định xây dựng một quân đội thật sự. Chúng ta cần một EU có thể tự bảo vệ mình mà không cần phải dựa vào Mỹ”.

Tuy nhiên, giáo sư Bruno Alomar tại Trường Chiến tranh Pháp (vốn đào tạo những sỹ quan quân sự hàng đầu) lại cho rằng tầm nhìn của ông Macron về một lực lượng phòng vệ gắn kết của châu Âu chưa thể thực hiện ngay được. Ông nói: “Ý tưởng thành lập một văn hóa chiến lược chung không phải là ý tưởng tồi. Nhưng vẫn có khoảng cách lớn giữa viễn cảnh về quốc phòng châu Âu mà ông Macron mong muốn và thực tế là sự bất đồng sâu sắc giữa các đối tác châu Âu. Hòa bình ở châu Âu đang gặp nguy hiểm”.

Trước đó, vào tháng 4, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, quân đội chung EU ban đầu sẽ có một lực lượng can thiệp chung, bao gồm 50.000 tới 60.000 binh sĩ và nhiều đơn vị chiến đấu nhỏ, cực kỳ cơ động, có khả năng can thiệp trên khắp thế giới mà không phụ thuộc vào NATO. Paris đã trình bày sáng kiến trên với nhiều quốc gia, bao gồm Đức, Hà Lan, Anh, Đan Mạch và thành lập một nhóm làm việc chung để phác thảo kế hoạch thực hiện từ tháng 3-2018. Ý tưởng này nhằm mục đích tập hợp các nước EU có năng lực quân sự, thực hiện các phân tích chung về nguy cơ khủng hoảng mới để tổ chức phản ứng nhanh.

Tạp chí Challenges của Pháp số ra mới đây đưa ra nhận định, trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với các thách thức như khủng bố hoặc thậm chí là chiến tranh, hợp tác để thành lập một quân đội chung là không thể tránh khỏi. Không chỉ có vậy, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi EU cần thành lập lực lượng quân đội chung còn nhằm đối phó với mối đe dọa, cũng như khôi phục vị thế trên trường quốc tế.

Chủ tịch EC nhận định có một lực lượng quân đội riêng sẽ giúp EU đưa ra các chính sách an ninh và đối ngoại chung, song nhấn mạnh lực lượng này sẽ không thách thức vai trò phòng vệ của NATO.

Hoa Vinh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/vi-sao-my-khong-muon-eu-co-quan-doi-chung-520012/