Vì sao Mỹ nói không khoan nhượng với Nga?

Nga cần chuẩn bị tinh thần dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ vì một người từng thể hiện sự xem thường Moscow, một người đang thực thi chính sách cứng rắn.

Bậc thày can thiệp than phiền bị can thiệp!

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông Robert O'Brien đã có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev. Cuộc gặp diễn ra ở một nước trung lập là Thụy Sỹ do ông Patrushev, cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu sau cuộc gặp, cố vấn O'Brien cho hay: "Một trong những lý do tôi đến gặp Tướng Patrushev là để ông ấy biết rằng sẽ hoàn toàn không có sự khoan nhượng nào đối với việc can thiệp vào Ngày Bầu cử của chúng tôi”. Ông O'Brien nói rằng ông đã "yêu cầu Nga không được can dự vào những việc như vậy”.

Những cáo buộc của Mỹ tạo ra cách hiểu rằng Nga đã giúp ông Trump chiến thắng bà H. Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016

Tuy nhiên, truyền thông Mỹ dẫn nguồn từ các cơ quan tình báo nước này cho rằng Nga vẫn đang can thiệp vào bầu cử Mỹ. Tháng trước, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã tuyên bố khi điều trần trước Quốc hội rằng Nga đang tiến hành can thiệp vào bầu cử Mỹ với “những ảnh hưởng xấu”, bao gồm cả việc sử dụng truyền thông xã hội và chiến dịch tuyên truyền, chủ yếu nhằm vào ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Phía Nga đã phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào bầu cử ở Mỹ cả trong quá khứ và hiện tại, đồng thời đánh giá vấn đề này đã trở thành một trở ngại cho việc cải thiện quan hệ song phương.

Hơn một tuần sau cuộc điều trần của Giám đốc FBI Wray, Tổng thống Nga Putin đã đề nghị với phía Mỹ về một thỏa thuận cấm can thiệp vào tiến trình bầu cử của các quốc gia khác. Sáng kiến này được đưa ra tiếp sau đề xuất của ông Putin nhằm thành lập một đơn vị an ninh mạng chung, từng được nêu trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump tại Phần Lan hồi năm 2018, song vẫn chưa được triển khai.

Ở chiều ngược lại, Điện Kremlin cho rằng trên thực tế, Mỹ đang cố can thiệp vào hoạt động chính trị của Nga. Ba năm trước, Hội đồng Liên bang Nga, tức Thượng viện Nga, đã thành lập một ủy ban tạm thời về vấn đề can thiệp của nước ngoài ở Nga. Chủ tịch ủy ban này, ông Andrei Klimov cho biết: "Ủy ban này được gọi là tạm thời bởi chúng tôi hy vọng rằng sẽ đến lúc họ sẽ không can thiệp nữa. Nếu chúng tôi lập thành ủy ban thường trực, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ không ngừng can thiệp. Chúng tôi vẫn muốn tin vào những điều tốt đẹp".

Mỹ cũng đã và đang bị nhiều nước cáo buộc can thiệp bầu cử

Theo ông Klimov, ủy ban của Nga đã thu thập hàng nghìn trang tài liệu về những âm mưu gây ảnh hưởng của Mỹ. Ông tuyên bố rằng các tổ chức của Mỹ có liên quan đến chính phủ Mỹ đang cấu kết với các nhà hoạt động chính trị Nga. Cũng theo ông Klimov, các cuộc tấn công mạng nhằm vào Nga bắt nguồn từ Mỹ gấp nhiều lần những cuộc tấn công theo hướng khác.

Ông Klimov nhấn mạnh rằng, khái niệm "can thiệp của Nga" là một “sự dối trá”, được dựng lên trong thời chính quyền Tổng thống Barack Obama hòng giúp bà Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Nga cần chuẩn bị cho kịch bản xấu

“Mang tiếng” là “giúp đỡ” ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhưng Nga không được hưởng quả ngọt nào dù vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ hứa hẹn sẽ cải thiện quan hệ với Nga. Ngay cả báo chí Mỹ cũng phải thừa nhận, thay vào đó, những gì xảy ra tiếp theo là chính giới chức tình báo của chính quyền Trump tiếp tục cáo buộc Nga can thiệp và sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ nhằm thắt chặt trừng phạt đối với Nga.

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, quan hệ Mỹ-Nga thậm chí còn căng thẳng hơn so với khi ông Trump nhậm chức. Hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng giữa Mỹ và Nga (New START) sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 mà chưa có dấu hiệu rõ ràng nào sẽ được gia hạn thêm 5 năm. Còn tại nước Nga, một cuộc thăm dò được công bố hồi tháng 9 vừa qua cho thấy chỉ 23% người Nga có quan điểm tích cực về ông Trump, trong khi 43% có quan điểm tiêu cực.

Tổng thống Mỹ Trump được cho là "có thiện cảm" với Tổng thống Nga Putin

Thế nhưng triển vọng quan hệ Nga-Mỹ trong 4 năm tới cũng không mấy sáng sủa trong trường hợp ông Biden giành chiến thắng. Cuộc thăm dò chỉ ra rằng có tới 55% số người được hỏi cho biết họ lần đầu tiên nghe tới cái tên Biden.

Theo giới phân tích chính trị, việc ông Biden từng là Phó tổng thống của Obama đã biến ông trở thành nhân vật không thân thiện ở Nga. Cựu Tổng thống Obama từng có một số phát biểu với những lời lẽ không tôn trọng nước Nga.

Bản thân ông Biden cũng đưa ra những nhận xét xấu về vai trò cường quốc toàn cầu của Nga, đồng thời cho rằng Moscow có "một nền kinh tế đang suy yếu" hồi năm 2009 và "việc bám víu vào quá khứ sẽ không bền vững". Trong chuyến thăm Moscow năm 2011, ông Biden từng nói rằng sẽ rất tệ cho Nga nếu ông Putin tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Ông Biden “tiên phong” trong các động thái của Mỹ đối với Nga liên quan tới vấn đề Ukraine.

Nga cần sẵn sàng dù bất kỳ ứng cử viên nào đắc cử Tổng thống Mỹ

Tổng thống Nga Putin mới đây khẳng định với báo chí trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng: "Chúng tôi sẽ hợp tác với bất kỳ tổng thống tương lai nào của nước Mỹ, với người sẽ giành được sự tin tưởng của người dân Mỹ. Chúng ta biết rằng Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc phát triển quan hệ Nga-Mỹ. Tất nhiên, chúng tôi đánh giá cao điều đó".

Đề cập tới ông Biden, Tổng thống Putin nói rằng ứng viên của đảng Dân chủ đã sử dụng "lời lẽ sắc bén chống Nga", nhưng Điện Kremlin ủng hộ việc Biden quan tâm tới việc duy trì hiệp ước kiểm soát vũ khí New START.

Giới phân tích cảnh báo, nếu đắc cử tổng thống, ông Biden có thể củng cố các đồng minh châu Âu chống lại Moscow. Còn nếu ông Trump tái cử, các đối thủ chính trị của ông có thể theo đuổi một chính sách thậm chí còn cứng rắn hơn đối với Nga.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-my-noi-khong-khoan-nhuong-voi-nga-3420769/