Vì sao Mỹ phải chịu trách nhiệm vụ nhà báo Khashoggi?

Mỹ từng không cần điều tra mà vội vàng Nga là thủ phạm và chịu trách nhiệm vụ điệp viên Skripal bị đầu độc.

Vụ việc nhà báo người Mỹ gốc Saudi Arabia bị sát hại ngay trong tòa Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần được hé lộ.

Truyền thông quốc tế còn đã tìm được danh tính kẻ giả dạng ông Jamal Khashoggi, mặc quần áo của ông này bước ra khỏi tòa Tổng lãnh sự để che mắt giới điều tra Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Jamal Khashoggi (trái) khi bước vào Tổng Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul và người đóng giả ông Jamal Khashoggi (phải) khi bước từ đây ra với một đôi giày khác. Ảnh: CNN

Trong một phản ứng gần như ngay lập tức khi biết tin về vụ việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho Saudi Arabia, cho rằng Riyadh đã sử dụng một "sát thủ bí ẩn" nào đó để ám sát ông Jamal Khashoggi và cấp cao nhất của chính quyền nước này phải nhận trách nhiệm.

Phản ứng của Tổng thống Mỹ diễn ra ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát đi thông điệp cho rằng chính các nhân viên của Lãnh sự Saudi Arabia là nguyên nhân chính dẫn tới sự mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi khi tới cơ quan này để hoàn tất hồ sơ kết hôn với người vợ thứ hai.

Các nguồn tin thân cận với giới điều tra Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng, 15 quan chức Saudi Arabia cấp tốc đến tòa Lãnh sự này trong thời điểm nhà báo Jamal Khashoggi đang ở đây là để xử lý cái xác.

Việc Saudi Arabia lập tức bị đổ lỗi dồn dập về sự mất tích của một nhà báo được cho là thuộc phe đối lập không khác gì tình huống Nga bị đổ lỗi trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Salisbury, Anh hồi tháng 3 năm nay.

Nhà báo gốc Saudi Arabia bị cho là đối lập nhưng chính quyền Saudi lại khẳng định họ không cho ông là nhà báo đối lập tại vương quốc này.

Ông Jamal Khashoggi đã sang Mỹ định cư. Trong vụ việc lần này, Saudi Arabia và Mỹ đều đóng vai Nga trong vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc.

Nga đã nhanh chóng bị Anh buộc tội, còn Saudi Arabia lại lập tức bị Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tố cáo.

Cả Nga và Saudi Arabia ở thời điểm bị buộc tội đều chưa hiểu sự việc cụ thể ra sao và tình huống nào dẫn tới những cáo buộc họ là hung thủ trong một vụ ám sát.

Tuy nhiên, khác với vụ việc xảy ra tại Salisbury, sau khi đổi lỗi cho Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ giọng và cho rằng vụ việc cần được điều tra kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định đổ lỗi cho ai.

Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Mỹ còn nhận xét rằng các nước đã quá vội vàng khi lập tức đổ lỗi cho Saudi Arabia mà không quan tâm đến kết luận cuộc điều tra đang được tiến hành.

Phản ứng của Tổng thống Mỹ cũng giống như cách Nga đã phải tìm cách kêu oan khi bị đổ lỗi là thủ phạm trong vụ việc xảy ra ở nơi công cộng tại nước ngoài.

Khi được hỏi về vụ việc đối với nhà báo Khashoggi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho rằng, Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm về việc này bởi "nhà báo mất tích Jamal Khashoggi đã từng sống tại Mỹ". Bình luận của Tổng thống Putin cũng là một phản ứng rất thông thường khi Anh và Mỹ đồng loạt đổ lỗi cho Nga trong vụ việc Skripal.

Nhưng, các bằng chứng cáo buộc đối với Saudi Arabia khá rõ ràng, trong khi những thông tin cáo buộc Nga lại rất mơ hồ và dù đã mở cuộc điều tra quốc tế không có sức thuyết phục.

Vụ đầu độc nhằm vào hai cha con Sergei Skripal lập tức bị đổ lỗi cho Nga mà không cần điều tra.

Sau cùng, Saudi Arabia đã phải thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã chết bên trong tòa Tổng Lãnh sự nhưng vẫn khẳng định cấp cao nhất của chính quyền Saudi không hề biết về vụ việc.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubei gọi vụ việc là "sai lầm khủng khiếp" và thể hiện quyết tâm "vạch trần từng chi tiết nhỏ, tìm kiếm mọi dữ kiện và sẽ trừng trị những ai chịu trách nhiệm về vụ giết chóc này".

Việc thừa nhận của Ngoại trưởng Saudi Arabia được cho là phản ứng làm dịu lòng dư luận quốc tế và khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên hạ nhiệt.

Cũng cần phải nói thêm, hai nhân tố Saudi Arabia và Mỹ dù chỉ trích nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết. Khi đề cập tới việc Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích khi đi vào Tòa Lãnh sự nước này ở Istanbul, phía Mỹ cũng nghĩ tới bản hợp đồng quân sự trị giá hàng trăm tỉ USD mà họ ký với Riyadh hồi năm ngoái.

Trong khi Saudi Arabia và Mỹ nhanh chóng "làm lành" bằng cách nhận lỗi, vụ việc đầu độc Skripal vẫn đi vào ngõ cụt. May mắn, người đàn ông này vẫn sống sót và từng kể với một nhà báo Mỹ rằng, ông không bao giờ tin Điện Kremlin ám sát mình. Điều này chỉ tạo thêm được uy tín của Điện Kremlin nhưng không giúp họ minh oan trong vụ việc đã bị giới chức phương Tây mặc định đổ lỗi và áp đặt trừng phạt.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vi-sao-my-phai-chiu-trach-nhiem-vu-nha-bao-khashoggi-3367802/