Vì sao Mỹ thất bại ở Afghanistan?

Chiến lược của Mỹ tại Nam Á, trong đó Afghanistan là trọng tâm, đã chùn bước, do thiếu sự phối hợp cả ở trong nước lẫn trong khu vực.

Chiến lược của Mỹ tại Nam Á, trong đó Afghanistan là trọng tâm, đã chùn bước, do thiếu sự phối hợp cả ở trong nước lẫn trong khu vực.

Mỹ đang thất bại với chiến lược mang lại hòa bình cho Afghanistan. Ảnh: Diplomat

Mỹ đang thất bại với chiến lược mang lại hòa bình cho Afghanistan. Ảnh: Diplomat

Chiến lược của Mỹ tại Afghanistan nhằm vạch ra kế hoạch chiến thắng cuộc chiến kéo dài gần 2 thập kỷ qua với Taliban là sự kết hợp của rất nhiều mặt: ngoại giao, sức mạnh kinh tế, tình báo, quân sự.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại ở Afghanistan phản ánh một bức tranh ảm đạm với sự hỗn loạn, phần lớn là do các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Afghanistan và Taliban. Liên tiếp có những vụ đánh bom liều chết trên khắp đất nước.

Những con số mơ hồ

Dường như chiến lược của Mỹ tại Afghanistan đã thất bại, và chiến thắng Taliban trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Bộ Ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc và Chính phủ Thống nhất Quốc gia Afghanistan (NUG) không có cùng một chí hướng, đặc biệt là khi nói đến tiến trình hòa giải với Taliban.

Thêm vào đó, Mỹ không có khả năng thiết lập một cơ chế khả thi bao gồm các nước trong khu vực (Pakistan, Iran, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc) để chủ động theo đuổi một quá trình hòa giải chính trị cũng là một trở ngại cho hòa bình và thịnh vượng của Afghanistan. Để tăng áp lực buộc Taliban chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình với NUG, Mỹ đã thông qua một chiến lược mới bằng cách làm cho thế giới cảm thấy mơ hồ về giới hạn thời gian của sứ mệnh do họ dẫn đầu tại Afghanistan cũng như số lượng binh sĩ thực sự mà Washington triển khai tại đây. Ngay sau khi công bố chiến lược vào tháng 8-2017, Lầu Năm Góc tuyên bố tăng quân số, nhưng không đề cập đến con số cụ thể. Một đặc điểm nổi bật khác của chiến lược là trao nhiều quyền lực hơn cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngay lập tức, phản ứng từ Taliban là rất dữ dội. Chỉ riêng trong tháng 10-2017, hàng trăm người Afghanistan đã bị giết trong nhiều vụ tấn công khác nhau, chủ yếu là nhằm vào các cơ sở an ninh. Trong một cuộc tấn công vào trụ sở cảnh sát Paktia, cảnh sát trưởng tỉnh Paktia bị giết; cuộc tấn công vào Học viện Quân sự Kabul khiến nhiều học viên thiệt mạng. Chiến lược quân sự của Mỹ tiếp tục thất bại, và Taliban đã có thể thâm nhập và gây thiệt hại nặng nề cho các mục tiêu được bảo vệ cao. Nhóm nổi dậy này cũng có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên một số khu vực chiến lược trên khắp Afghanistan.

“Sức mạnh” của Taliban

Việc Taliban từ chối lời đề nghị hòa bình “không có điều kiện tiên quyết” của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani làm tăng áp lực lên NUG.

Nhóm nổi dậy đã khăng khăng đòi nói chuyện trực tiếp với Mỹ và từ chối chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào cho đến khi Washington rút quân khỏi Afghanistan. Mỹ đã thẳng thắn từ chối bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào với Taliban, thay vào đó ủng hộ một tiến trình hòa bình do Afghanistan và làm chủ. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi các quan chức từ Bộ Ngoại giao Mỹ, dẫn đầu bởi Phó thư ký trợ lý khu vực Nam và Trung Á, Alice Wells và lãnh đạo Taliban, gần đây đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Doha. Ngẫu nhiên, vài ngày trước cuộc họp này, đại diện hàng đầu của Lầu Năm Góc ở Afghanistan, tướng John Nicholson, lại phủ nhận việc Mỹ nói chuyện trực tiếp với Taliban.

Một lỗ hổng khác trong chiến lược mới của Mỹ là không có khả năng giải quyết nhu cầu của các nước có liên quan trong khu vực. Nằm ở ngã tư chiến lược, Afghanistan được coi là “Trái tim của Châu Á” và các quốc gia khu vực luôn có lợi ích địa chính trị tại nước này. Mỹ dường như không biết các bài học lịch sử, như trong năm qua, không có nỗ lực nghiêm túc nào được thực hiện để phối hợp với các quốc gia khu vực. Chỉ có một cuộc họp mang tính nghi lễ của Nhóm Phối hợp Tứ giác (QCG) bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan, được tổ chức vào tháng 10-2017. Cuộc họp kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung nào.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa Mỹ với hầu hết những nước quan trọng trong khu vực đều xấu đi. Pakistan vẫn là nước đóng vai trò quan trọng nhất trong vấn đề Afghanistan. Nhưng Islamabad bị chỉ trích nặng nề trong tuyên bố chiến lược Nam Á mới của Mỹ. Trong năm qua, Washington đã ngưng toàn bộ viện trợ an ninh cho Islamabad và gần đây đã đóng cửa chương trình Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế (IMET) cho các sĩ quan Pakistan tại Mỹ.

Nga cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của Mỹ tại Afghanistan vì Moscow vẫn có sức ảnh hưởng chính trị đối với Trung Á. Tuy nhiên, Washington không chỉ tuyên bố Nga là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong tài liệu Chiến lược an ninh quốc gia năm 2018 mà còn tiếp tục đưa ra những biện pháp trừng phạt mới đối với nhiều thực thể khác nhau của Nga. Hơn nữa, Washington cũng bắt đầu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Khi các mối quan hệ với Iran đang tiến gần hơn tới chiến tranh sau khi hủy bỏ Kế hoạch Hành động Chung và Toàn diện (JCPOA), Mỹ dường như đang đặt tất cả hy vọng vào Ấn Độ về vấn đề Afghanistan. Tuy nhiên, thật thú vị, Ấn Độ dường như miễn cưỡng xây dựng mối quan hệ với Mỹ. New Delhi đã và đang cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và rất quan tâm đến các vấn đề của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Nếu Mỹ không thay đổi các nguyên tắc chiến lược ở Afghanistan, Washington sẽ sớm thấy mình bị cô lập, và khả năng thất bại tại đất nước bị chiến tranh tàn phá sẽ là điều tất nhiên.

AN BÌNH (Theo Diplomat)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_194741_vi-sao-my-that-bai-o-afghanistan-.aspx