Vì sao Mỹ thay chiến lược châu Á-TBD bằng Ấn Độ-TBD?

Mỹ đã sử dụng thuật ngữ mới là Chiến lược 'Ấn Độ-Thái Bình Dương' để thay thế cho 'Châu Á- Thái Bình Dương' Điều này có ý nghĩa gì?

Mỹ khởi xướng chiến lược mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương”

Ngày 12/11 vừa qua, bên lề Hội nghị ASEAN với sự tham gia của các nhà ngoại giao cao cấp từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia... Mỹ đã giới thiệu chiến lược mới của nước này ở Châu Á mang tên “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, thay cho cụm từ vẫn hay được nhắc đến là “Châu Á- Thái Bình Dương”.

Về mặt chính thức, hội nghị đã xem xét đề xuất của Nhật Bản về việc tổ chức một cuộc đối thoại chiến lược 4 bên. Trong đó, chiến lược mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương” và sáng kiến “đối thoại an ninh 4 bên” nhanh chóng trở thành hai cụm từ đồng nghĩa.

Các nhà quan sát cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì hai khái niệm này là sự bổ sung cho nhau. Điều này nằm trong khuôn khổ sự thay đổi chiến lược ở châu Á của Hoa Kỳ, nhằm xây dựng một trục đồng minh, để ngăn chặn sự “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi về thái độ của Trung Quốc đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nói rằng, hợp tác khu vực nên cởi mở và toàn diện, giúp ích cho việc thúc đẩy sự hợp tác cùng thắng của tất cả các bên và tránh những sự dàn xếp bị chính trị hóa.

Chiến lược kìm chế sự “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Quốc

Theo giới phân tích, “Đối thoại chiến lược 4 bên” là một ý tưởng mà Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã công bố vào tháng 10 vừa qua. Theo đó, Tokyo đề xuất thiết lập cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm chống lại Trung Quốc.

Thay cho chiến lược “châu Á-Thái Bình Dương”, các nhà ngoại giao Washington sử dụng cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, để hy vọng làm sụp đổ sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực, bằng cách tăng cường vị thế của New Dehli như một đối trọng lớn nhất của Bắc Kinh.

Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang hợp lực đối phó với Trung Quốc

Ông Piotr Topychkanov, chuyên viên khoa học cao cấp của Trung tâm an ninh quốc tế thuộc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế IMEMO (Viện Hàn lâm khoa học Nga), nhận định rằng, cả “Đối thoại chiến lược 4 bên” và chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” thực chất là nhằm vào Trung Quốc.

Chuyên gia Piotr Topychkanov nhận định, vì những lý do chính trị, quân sự nên Ấn Độ đã thể hiện sự quan tâm đến các sáng kiến của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Và tất nhiên là những sáng kiến này ảnh hưởng không chỉ đến Trung Quốc mà còn tác động đến những quốc gia láng giềng và cả châu Á.

Ví dụ như trong một số vấn đề Bắc Kinh không phải là chủ đề chính, nhưng các vấn đề đó vẫn “mang yếu tố Trung Quốc”, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng giao thông, an toàn hàng hải và tự do hàng hải.

Nếu trên cơ sở cuộc đối thoại 4 bên sẽ thành lập một cơ chế đầy đủ giá trị thì Mỹ và các đồng minh sẽ sử dụng những kinh nghiệm của cuộc tập trận chung Malabar, của lực lượng hải quân Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, chắc chắn là các bên không cố gắng tạo ra một liên minh quân sự.

Theo ông, vẫn còn sớm để nói rằng, “đối thoại 4 bên” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc là một phương án hữu hiệu để đánh bại những ưu thế của dự án thương mại “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc.

Mọi người đều hiểu rằng, trong số 4 nước này không quốc gia nào có thể một mình cung cấp cho khu vực những khoản đầu tư, những dự án lớn và tầm nhìn toàn diện sánh được với Trung Quốc. Thế nhưng, nếu 4 nước này hợp lực với nhau thì có thể thay thế dự án của Bắc Kinh ở một số vùng trong khu vực.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-my-thay-chien-luoc-chau-a-tbd-bang-an-do-tbd-3347199/