Vì sao năng suất lao động Việt Nam vẫn thua xa nhiều nước?

Theo ý kiến chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Phát triển 2017, năng suất thấp khiến tăng trưởng Việt Nam khó nhanh và bền vững. Hiện năng suất lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN. Cụ thể thấp hơn 6 lần so với Malaysia, thấp hơn khoảng 15 lần so với Singapore, thấp hơn Thái Lan khoảng 3 lần...

Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017.

Năng suất thấp, khó tăng trưởng bền vững

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017 vừa diễn ra vào sáng nay (13/12) với chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững”.

Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, mà một trong số đó là cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều có khả năng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt, đạt khoảng 6,7% trong năm nay.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên.

Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Thực tế, không phải tới bây giờ, câu chuyện tăng năng suất mới được đề cập. Từ lâu, Chính phủ đã coi tăng năng suất lao động là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điều này càng đặt ra rốt ráo hơn bao giờ hết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm biến chuyển thế giới.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn tăng trưởng ở mức tương đối cao nhưng xét về trung và dài hạn thì có xu hướng giảm.

"Dù đã được nói nhiều trong thời gian vừa qua nhưng chúng ta chưa đột phá thực sự để có thể cải thiện được vấn đề vốn được xem là quyết định gia tăng giá trị cho nền kinh tế", ông Cung nói.

Điều đáng nói theo vị này, năng suất lao động của Việt Nam tuy được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thấp so với nhu cầu phát triển.

Cụ thể, hiện năng suất lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN như thấp hơn 6 lần so với Malaysia, thấp hơn khoảng 15 lần so với Singapore, thấp hơn Thái Lan khoảng 3 lần...

"Từ 2018 nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6,8 - 7% như kế hoạch thì gia tăng năng suất lao động phải trên 6%. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2011 -2017 năng suất lao động chỉ tăng 4,8%. Như vậy phải gia tăng năng suất lao động ở Việt Nam thì mới có thể đạt được tốc độ 7%. Đây thực sự là một thách thức lớn", ông Cung nhận định.

Vì sao năng suất lao động Việt Nam còn "ì ạch"?

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nguyên nhân chính khiến năng suất lao động Việt Nam thấp là do bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, chậm chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân chính thức, từ khu vực phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức, không có sự thúc ép cải cách công nghệ, máy móc và trình độ tay nghề...

Điều đáng nói, hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp tương đối cao, nhưng nông nghiệp cũng lại không thu hút được đầu tư tương xứng với vai trò và hiệu quả hiện có của nó. Doanh nghiệp Việt Nam có thâm dụng vốn cao, nhưng năng suất vốn lại thấp, điều đó chứng tỏ rằng thâm dụng vốn không đi đôi với đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, ông Cung nhận định.

Trong khi đó, mức độ tập trung vốn ở khu vực DNNN cao, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại thấp. Ở vùng nào có nhiều DNNN thì ở đó tập trung vốn cao nhưng năng suất lao động lại thấp.

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP.HCM có nhân lực trình độ cao, mật độ kinh tế lớn, có quy mô tập trung nhưng khó bứt phá vì nhiều ràng buộc về cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển, đặc biệt là vấn đề đất đai.

"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa và cơ hội lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất trong nền kinh tế bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế", ông Cung nói.

Ngoài ra theo ông Cung, cần phải tiếp tục phân bổ lại nguồn lực, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế cũng như thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế...

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng năng suất lao động là vấn đề tối quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cải thiện năng suất lao động sẽ giúp Việt Nam thực hiện ước vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Để tránh rơi vào tình trạng suy giảm năng suất, ông Rajah Rasiah, cố vấn cao cấp UNDP tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của ngay các nước trong khu vực.

"Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cho thấy, sáng tạo là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng, và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực con người, định hướng xuất khẩu", vị này nói.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/vi-sao-nang-suat-lao-dong-viet-nam-van-thua-xa-nhieu-nuoc-3425227.html