Vì sao Nepal là 'tử địa' của máy bay chở khách?

Ít nhất 68 người đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay chở khách của Nepal đâm xuống một hẻm núi khi đang hạ cánh xuống thành phố nghỉ dưỡng Pokhara, Nepal hôm 15/1.

Chiếc máy bay mang số hiệu 9N-ANC ATR-72 của hãng hàng không quốc tế Yeti Airlines cất cánh từ Sân bay Quốc tế Tribhuvan ở Kathmandu, Nepal lúc 10:33 sáng 15/11 và bị rơi trên bờ sông Seti giữa sân bay cũ và sân bay mới, theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN).

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, cảnh sát đã tiếp cận và bắt đầu chiến dịch giải cứu. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết không thể triển khai đủ nhân lực. Việc kiểm soát ngọn lửa rất khó khăn do xe cứu hỏa không thể tiếp cận hẻm núi nơi xảy ra vụ tai nạn phần vì địa hình quá hiểm trở, phần vì có quá nhiều tụ tập xung quanh chiếc máy bay.

Tổng cộng có 68 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn trên máy bay. Thi thể của 68 người đã được tìm thấy từ hiện trường vụ tai nạn, nhưng danh tính nạn nhân vẫn chưa được xác định hết. Cơ quan cứu hộ đang nỗ lực tìm thêm 4 thi thể còn lại. Trong số các hành khách có 3 trẻ sơ sinh, 3 trẻ em.

Ngoài công dân Nepal, chiếc máy bay còn chở 5 người Ấn Độ (đã xác định được danh tính), 4 người Nga, 2 người Hàn Quốc, 1 người Australia, 1 người Pháp, 1 người Argentina và 1 người Israel.

Cảnh sát và lực lượng cứu hộ nhanh chóng đến ứng cứu ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra. Ảnh: Irish Times

Đây được coi là vụ tai nạn máy bay đẫm máu nhất ở quốc gia thuộc dãy Himalaya này trong gần 5 năm qua. Tuy nhiên, những thảm kịch như vậy không phải là điều gì xa lạ ở Nepal. Quốc gia Nam Á này ghi nhận trung bình một thảm họa máy bay mỗi năm.

Kể từ năm 2000, quốc gia này đã xảy ra 17 vụ tai nạn máy bay, khiến 273 người thiệt mạng, trong đó có 11 vụ kể từ năm 2010 đến nay, kể cả vụ tai nạn mới nhất.

Thảm kịch gần đây nhất mà Nepal chứng kiến là vào tháng 5/2022, khi 22 người thiệt mạng khi một chiếc máy bay của hãng hàng không Tara Air bị rơi ở quận Mustang.

Ngành vận tải hàng không của Nepal liên tục xảy ra tai nạn do bảo trì kém, đào tạo không đầy đủ và các tiêu chuẩn lỏng lẻo. Nepal cũng có những đường băng xa xôi và phức tạp nhất thế giới, với những đường tiếp cận được bao quanh bởi những ngọn núi cao chót vót thách thức ngay cả những phi công lão luyện.

Đất nước này cũng có một số đường băng khó tiếp cận. Theo báo cáo của Bloomberg, sân bay Tenzing-Hillary ở vùng đông bắc Lukla thường được coi là sân bay nguy hiểm nhất thế giới, với một đường băng duy nhất hướng xuống thung lũng bên dưới.

Bên cạnh đó, thời tiết cũng là một lý do lớn khiến ngay cả những phi công có kinh nghiệm cũng gặp khó khăn khi lái máy bay ở Nepal. Liên minh châu Âu đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal vào không phận của họ vì lo ngại về an toàn.

“Sự đa dạng về kiểu thời tiết cùng với địa hình thù địch là những thách thức chính xung quanh hoạt động của máy bay ở Nepal. Do đó, số vụ tai nạn liên quan đến máy bay nhỏ ở đây tương đối cao hơn những nơi khác”, theo báo cáo an toàn hàng không của cơ quan hàng không dân dụng Nepal năm 2019.

Có 71 người trên chiếc máy bay, 68 thi thể đã được tìm thấy. Ảnh: Irish Times

Tuy nhiên, vụ tai nạn của hãng hàng không Yeti hôm 15/1 không phải do thời tiết xấu, vì các quan chức cho biết bầu trời quang đãng vào thời điểm xảy ra tai nạn.

Ông Sudarshan Bartaula, phát ngôn viên của Yeti Airlines cho biết cho đến nay không có thông tin về bất kỳ người sống sót nào.

“Thời tiết ở Pokhara hoàn toàn tốt và động cơ của máy bay cũng ở trong tình trạng tốt. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay", theo ông Bartaula.

Trong khi đó, trang web theo dõi chuyến bay FlightRadar24, cho rằng chiếc máy bay của hãng hàng không Yeti Airlines đã 15 tuổi và được trang bị một bộ phát đáp cũ với dữ liệu không đáng tin cậy.

Nguyễn Tuyết (Theo Telegraph India, Live Mint, Hindustan Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-nepal-la-tu-dia-cua-may-bay-cho-khach-a590308.html