Vì sao Nga chọn tổng tấn công Nam Syria?

Một chiến dịch tấn công tổng lực của quân đội Nga - Syria sắp được tiến hành ở miền Nam Syria

Đối thủ nào mạnh nhất Nam Syria

Ngày 8/11, truyền thông Trung Đông và truyền thông Nga đồng loạt dẫn những nguồn tin từ Damascus về việc quân đội Nga đang chuẩn bị một cuộc không kích quy mô lớn nhất kể từ tháng 9 tới nay vào khu vực Nam và Đông Nam Syria.

Cụ thể, quân đội Nga sẽ huy động sức mạnh của cả không quân, hải quân với nhiều loại chiến đấu cơ hiện đại bom hạng nặng và tên lửa hành trình được phóng từ tàu khu trục ngoài khơi Syria. Các vị trí được nhắm đến là vùng sa mạc al-Safa và Badiya Al-Sham.

Khu vực này vốn được coi là thành trì cuối cùng của khủng bố Hồi giáo cực đoan IS tại miền Nam. Từ cuối tháng 9, quân đội Syria đã có những bước tiến khi cô lập và bao vây IS vào những căn cứ tại đỉnh núi, tuy nhiên các chiến dịch tấn công truy quét sau đó không mang lại nhiều thành công.

Đáng chú ý, Nga đã điều thêm tàu khu trục và tàu hộ vệ mang tên lửa hành trình hiện đại Kalibr đến Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria. Đồng thời, quân đội Syria cũng đã điều hàng chục xe thiết giáp cùng hàng trăm quân sỹ tăng cường cho khu vực này.

Một căn cứ quân sự của không quân Nga tại Syria

Có thể thấy rằng, quy mô của chiến dịch lần này của quân đội hai nước Nga và Syria là rất lớn. Kể từ tháng 9, các cuộc tấn công tương tự đã giúp tiêu diệt các phần tử IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân đối lập co cụm tại Idlib, dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn Sochi giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch này của Nga được nhấn mạnh sẽ nhằm vào mục đích cuối cùng là tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm của IS. Al-Safa đang chứa đến khoảng 20.000 tay súng IS, trong khi các căn cứ khác của IS tại Syria đều là tàn quân. Đáng chú ý nhất là khu vực Deir Ezzor cũng chưa có hơn 2.000 tay súng.

Trung thổ và miền Tây Syria đều thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của chính quyền Damascus và quân đội Nga. Nếu dứt điểm được vấn đề IS ở miền Nam và Đông Nam, quân đội Syria sẽ làm chủ khoảng 70% diện tích toàn quốc.

Trận quyết chiến chiến lược của Nga - Syria

Có thể thấy rằng, Nga và Syria sẽ phải dốc sức vào chiến dịch này và đã đánh phải thắng. Với những mục tiêu như sau, đây có thể xem là một trong những chiến dịch mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến sự thành bại của Nga trên toàn bộ bàn cờ Syria, đặc biệt khi ván cờ đã đến sát hồi kết.

Thứ nhất, sau khi tiêu diệt IS ở miền Nam và Đông Nam, Nga-Syria có thể tuyên bố cuộc chiến chống khủng bố đã đi đến hồi kết và yêu cầu toàn bộ các lực lượng còn lại trên lãnh thổ Syria truy quét tàn dư IS. Dẫn đến kết thúc cho câu chuyện "động binh chống khủng bố".

Khi khép lại cái cớ chống khủng bố IS, đồng nghĩa với việc các lực lượng nước ngoài, mà đáng chú ý nhất là Mỹ sẽ phải rút khỏi lãnh thổ Syria.

Thứ hai, kiểm soát được miền Nam và Đông Nam, Nga hoàn thiện chiến lược chia tách, cô lập của mình. Tại miền Bắc, đáng chú ý nhất là phiến quân Hay'at Tahir al-Sham với khoảng 50.000 tay súng đang bị bao vây trong Idlib và một số vùng lân cận ở Aleppo, Hama. Lực lượng này đông đảo, nhưng ô hợp, không phải là mối lo không thể tiễu trừ của Nga. Trong khi các đường tiếp tế và hỗ trợ cho lực lượng này gần như đã bị cắt đứt.

Ngoài ra, với mũi giáp công phía từ Bắc sang Đông của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Nga-Syria từ Nam lên Đông, hai nhánh này sẽ bao vây, cô lập lực lượng SDF và người Kurd do Mỹ hậu thuẫn vào một khu vực chật hẹp. Một điều có thể chắc chắn, Mỹ không muốn can dự sâu vào câu chuyện Syria.

Máy bay Nga cất cánh làm nhiệm vụ không kích tại Syria

Do đó, khi hoàn thiện chiến thuật chia tách, cô lập này, người Kurd và người Ả Rập trong lực lượng Dân chủ Syria sẽ rơi vào hai tình trạng: hoặc tự tan rã, bị giết trong các trận chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc đầu hàng quân đội Syria và trở thành một lực lượng "đối lập ôn hòa" thật sự trong vai trò chính trị sắp tới của chính quyền Damascus.

Chưa kể đến bên trong miền Đông Syria còn nhiều nhóm khủng bố IS đang trong thế trỗi dậy. Trong đánh ra, ngoài đánh vào, những gì mà Mỹ hậu thuẫn đang rơi vào tình thế rất khó khăn.

Thứ ba, Syria sẽ chiếm trọn tới 70% lãnh thổ Syria sau khi giải phóng miền Nam và Đông Nam. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngồi yên khi tập trung binh lực đánh người Kurd ở miền Đông. Nếu Thổ thắng, Moscow và Ankara dễ dàng đàm phán, thỏa thuận về lợi ích với nhau theo định hướng cùng hội cùng thuyền.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thắng thì tiếp tục đẩy SDF vào tình thế suy yếu và tự diệt vong. Hoặc thậm chí, chống đối lại các giải pháp chính trị được đồng thuận tại Syria sẽ biến SDF từ lực lượng phi khủng bố thành khủng bố.

Quan trọng nhất ở đây, Nga đang thực hiện chiến lược chia để trị rất hiệu quả. Moscow bóc tách từng thành phần tham gia vào cuộc khủng hoảng Syria, phân chia thành từng khu vực, sau đó từng bước kiếm soát từng phần. Thay vì phải tham chiến vào một mớ hỗn độn.

Điều quan trọng nhất, Nga từng bước kiểm soát bàn tay của Mỹ tại Syria. Từ việc ngăn chặn cái cớ vũ khí hóa học, tiến đến thu hồi cái cớ chống khủng bố, tiếp đến đưa Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu trực tiếp, và cuối cùng là phối hợp với đồng minh Pháp, Đức của Mỹ để tái thiết lại Syria, tránh gánh nặng lớn mà mình Nga phải chịu.

Từng bước một, Nga tách Mỹ ra khỏi Syria một cách khéo léo và đầy thuyết phục. Do đó, cuộc không kích Nam Syria lần này là một cuộc quyết chiến chiến lược, đảm bảo thành công cho cả cục diện cuộc khủng hoảng Syria đến thời điểm này.

Minh Tuệ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-nga-chon-tong-tan-cong-nam-syria-3368900/