Vì sao Nga khá bình tĩnh trước tin phương Tây sắp cung cấp tiêm kích F-16 tới Đông Âu?

Cựu quan chức Nhà Trắng - ông Paul Craig Roberts phân tích tình huống, vì sao Nga lại khá bình tĩnh trước thông tin phương Tây sắp cung cấp tiêm kích F-16 tới Ukraine? Qua đó để thấy bức tranh toàn cảnh về cuộc xung đột Đông Âu, rằng Nga thận trọng không muốn để sự việc đi quá xa, trong khi có vẻ phương Tây lại không tính toán kỹ lưỡng được như thế.

Chuyên gia Paul Craig Roberts nhớ lại rằng vài tháng trước, tập thể phương Tây cho biết họ sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Và bây giờ, các nước NATO đã nói chuyện nghiêm túc về thời điểm Kyiv sẽ nhận chiếc F-16 đầu tiên.

Cựu quan chức Nhà Trắng nhận định rằng, hành động này của phương Tây sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng giữa Nga và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO.

Chính trị gia người Mỹ cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước phản ứng của Nga, khi Moskva tỏ ra rất bình tĩnh trước diễn biến sự việc như vậy.

Ông Roberts cho rằng Moskva có thể vẫn đang đợi phương Tây hiểu ra tình hình trước khi quá muộn, tuy nhiên nhiều khả năng các đối thủ từ khối quân sự NATO đang tranh thủ tận dụng sự chậm trễ phản ứng của Nga.

"Điện Krenlin rất có thể đang nghĩ rằng đâu đó ở phương Tây, một tin tức tốt sẽ đến trước khi bước đi nguy hiểm trên được thực hiện", chuyên gia chính trị người Mỹ chia sẻ quan điểm của mình.

Theo ông Paul Craig Roberts, thật ra Washington chưa tính tới phản ứng có thể được Nga đưa ra và không hiểu hành động của mình có thể gây ra hậu quả gì.

Nhà phân tích nói rằng sự thiếu hiểu biết của phương Tây thậm chí còn tồi tệ hơn quan điểm có phần quá thận trọng của Nga về việc cố gắng tránh leo thang căng thẳng với đối phương.

Mức độ tuyên truyền quân sự của Mỹ chống lại Nga ngày nay cao đến mức khó tin, và tất cả các thỏa thuận đạt được giữa Washington và Moskva trong những năm trước đều chỉ còn là "đống đổ nát".

Hiện tại, các hiệp ước có tác dụng giảm bớt căng thẳng giữa Nga và phương Tây như INF, CFE hay New START đều đã không còn tác dụng, cho thấy Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại một cách rõ nét.

Không chỉ có vậy, vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được Nga triển khai trên lãnh thổ Belarus nhằm đáp trả hành động tương tự của Mỹ tại các quốc gia NATO gần biên giới.

Ngoài ra giới chức Nga ngày càng nói nhiều hơn về việc có thể triển khai các căn cứ quân sự mới tại “sân sau” của Mỹ, đó là khu vực châu Mỹ Latin mà gần nhất là Cuba và Venezuela, đó sẽ là nơi đặt oanh tạc cơ Tu-160 và tên lửa Iskander-M.

Trong tình cảnh trên, giữa Nga và phương Tây cần có động thái đặc biệt giảm leo thang căng thẳng, nhằm tránh nguy cơ đẩy mâu thuẫn giữa hai bên bùng nổ thành chiến tranh toàn diện có sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-nga-kha-binh-tinh-truoc-tin-phuong-tay-sap-cung-cap-tiem-kich-f-16-toi-dong-au-post551715.antd