Vì sao Nga không đáp trả Mỹ và đồng minh?

Sau màn oanh tạc bằng 103 tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria ngày 14/4, thế giới đang đón chờ đòn 'hồi mã thương' từ phía Nga, nhưng vì sao Matxcơva không hề có động thái đáp trả?

Nhà báo Phong Vũ từ Voronezh (Liên bang Nga) có bài phân tích.

Hiện nay, cục diện Syria đã nằm trong tầm tay, Matxcova cho rằng, việc thực hiện hành động quân sự nhằm trả đũa phương Tây trong lúc này là điều không cần thiết.

Nga an định tình hình Syria

Ngày 12/4, theo tuyên bố của Thiếu tướng Yuri Yevtushenko, chỉ huy Trung tâm Nga về hòa giải các bên tham chiến ở Syria, quân chính phủ giành được Douma từ nhóm Jaysh al-Islam và kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Ghouta. Như vậy, sau 8 năm quốc kỳ Syria mới lại tung bay tại Đông Ghouta, nơi được xem là thành trì cuối cùng của phe thánh chiến Jaysh Al-Islam.

Ngay sau khi giải phóng khu vực quan trọng này, để tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn, sau khi các tay súng thánh chiến rút lui và để quân chính phủ Syria tiếp quản khu vực, Nga quyết định triển khai lực lượng cảnh sát quân sự đến Douma ngày 13/04. Hiện lực lượng cảnh sát Nga có mặt và thực thi nhiệm vụ tại khu vực.

 Thành phố Douma sau khi quân chính phủ Syria đẩy lui quân nổi dậy.

Thành phố Douma sau khi quân chính phủ Syria đẩy lui quân nổi dậy.

Chiến thắng ở Đông Ghouta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang lên kế hoạch tấn công quân chính phủ Syria, vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Trên thực tế, phương Tây muốn tiến đánh Syria, nhằm giải nguy cho phe đối lập, hiện đang bị vây hãm tại Đông Ghouta.

Nếu như, quân chính phủ Syria không nhanh chóng giải phóng Đông Ghouta, thì đòn can thiệp quân sự của Mỹ và liên quân có lẽ diễn ra vào hôm 12/04. Tuy vậy, khi chiến trường Syria được định đoạt, việc Mỹ và liên quân tiến đánh không còn ý nghĩa chiến lược nữa.

Cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình hôm 14/4 là một đòn đánh mang tính thị uy của Mỹ và đồng minh. Đòn đánh này rõ ràng không có giá trị làm thay đổi cục diện chiến trường Syria. Nga và quân chính phủ Assad hiểu rằng, quyền kiểm soát tình hình Syria đã nằm trong tay. Vậy nên, trong lúc này, Matxcơva và Damascus sẽ không “đáp trả” quân sự trước sự gây hấn của phương Tây. Bởi vì, điều đó sẽ tạo ra cái cớ để Mỹ và đồng minh nhảy vào một cuộc xung đột mới tại khu vực.

Phương án khả thi nhất là đấu tranh trên mặt trận ngoại giao và kêu gọi sự ủng hộ của dư luận thế giới về giải pháp hòa bình tại Syria. Ngoài ra, Nga sẽ tận dụng nhiều cơ chế đa phương để phản đối hành động tấn công quân sự của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria ngày 14/4.

Video: Nag cáo buộc Anh đứng sau dàn dựng nghi án tấn công hóa học ở Douma ngày 7/4

Theo đó, trong thông báo mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố vụ phóng 103 tên lửa hành trình vào Syria do Mỹ, Anh và Pháp thực hiện là hành động xâm lược và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nga cho rằng mục đích thực sự của vụ không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm “cho phép khủng bố được nghỉ ngơi, khôi phục lực lượng để tiếp tục hoạt động giết chóc”.

Phát biểu tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kịch liệt lên án vụ tấn công nhằm vào Syria do Mỹ và các nước đồng minh thực hiện. Ông Putin nhận định vụ tấn công này “làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo, gây đau thương cho dân thường và đồng lõa với khủng bố”, TASS đưa tin.

Nhìn chung, cục diện Syria và Trung Đông hiện nay đang có lợi cho Nga. Sau chiến thắng ở mặt trận Syria, vai trò của Matxcova tại quốc gia Trung Đông này lại càng trở nên quan trọng. Thêm vào đó, Nga đang xây dựng, phát triển mối quan hệ sâu sắc với các quốc gia trụ cột trong khu vực Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, Nga có thể mở rộng địa bàn ảnh hưởng, an định thế cuộc Trung Đông.

Mỹ và đồng minh tấn công Syria để giữ thể diện

Ngày 14/4, sau khi ra lệnh phóng tên lửa vào Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “nhiệm vụ hoàn thành”. Ông Trump gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp tại London và Paris trong việc tham gia tấn công Syria cùng Washington, đồng thời nhận định vụ tấn công được thực hiện hoàn hảo.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, liên minh Mỹ, Anh và Pháp đồng loạt phóng tổng cộng 103 tên lửa hành trình vào các mục tiêu dân sự và quân sự của Syria. Lực lượng tham gia tấn công Syria bao gồm các khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Porter (DDG-78), USS Donald Cook (DDG-75), USS Higgins (DDG-76) tại biển Đỏ; máy bay ném bom B-1 Lancer của Mỹ, tiêm kích Mirage và tiêm kích Tornado của Anh và Pháp tại Địa Trung Hải.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, không có bất cứ tên lửa hành trình nào của quân đội Mỹ và đồng minh xâm nhập vào khu vực phòng không của Nga tại Syria, đang bảo vệ căn cứ Tartus và Hmeymim. Các tổ hợp phòng không của Nga tại Syria cũng không tham gia đánh chặn tên lửa Mỹ. Trong số 103 tên lửa hành trình được phóng đi, lực lượng phòng không Syria đánh chặn thành công 71 tên lửa, Sputnik đưa tin.

Tên lửa phòng không Syria tham gia đánh chặn vụ không kích sáng 14/4.

Sau đợt tập kích Syria, tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White khẳng định, đợt không kích bằng tên lửa kết thúc không có nghĩa là chính sách đối với Syria của Washington sẽ thay đổi. Đồng thời, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc khẳng định, không có bất cứ vũ khí nào của Syria gây ra ảnh hưởng tới chiến dịch của Mỹ.

Cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria dường như không mang ý nghĩa quân sự nào, mà chỉ là đòn uy hiếp, thị uy nhằm vào chính quyền Tổng thống Assad. Trong bối cảnh, phe đối lập bị đánh tan tác, quân chính phủ Syria nắm quyền kiểm soát toàn khu vực, Mỹ không có cách nào để cứu vãn tình thế.

Trước đó, ngày 12/4, Mỹ và Liên minh muốn đánh Syria bằng hải – không quân nhằm cứu nguy cho lực lượng đối lập ở Đông Ghouta, nhưng kế hoạch bất thành. Washinton và đồng minh NATO điều động một lực lượng quân sự lớn tham gia vào cuộc vây đánh Syria. Phương Tây đang rất trông chờ vào hành động quân sự của Mỹ, điều này bắt buộc Washinton phải có hành động tương xứng, đánh Syria là điều cần làm, nhằm an lòng đồng minh và thị uy cho các nước trong khu vực.

Video: Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa không kích Syria

Vậy nên, quyết định tập kích tên lửa vào Syria của Tổng thống Trump ngày 14/4 có vẻ hơi khó hiểu, nhưng là đòn sau cùng để cứu vãn hình ảnh của Washinton và đồng minh. Đồng thời, đó còn là hành động có ý nghĩa răn đe chính quyền Syria và “nắn gân” Nga khi đụng chạm tới lợi ích của Mỹ tại khu vực.

Thực tế, Mỹ dường như mất kiểm soát tình hình ở Syria. Tuy nhiên, con bài “vũ khí hóa học” sẽ được Washinton tiếp tục sử dụng trong thời gian tới. Ngoài ra, màn kịch về “dân chủ - nhân quyền” sẽ là công cụ hữu hiệu để Mỹ và phương Tây sử dụng nhằm can dự vào Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.

Syria trải qua gần một thập kỷ của nội chiến, người dân của quốc gia Hồi giáo này chịu nhiều tổn thất và đau thương. Sự hòa giải dân tộc và đối thoại hòa bình giữa các phe phái là điều cần nhất cho vấn đề Syria hiện nay. Tuy vậy, trong cuộc chiến địa chính trị khu vực với sự tham gia của các siêu cường thế giới như Nga, Mỹ, nội chiến ở Syria vẫn sẽ tiếp tục và chưa rõ hồi kết.

Phong Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-nga-khong-dap-tra-my-va-dong-minh-d393251.html