Vì sao Nga phải chào bán 'quốc bảo' Su-57 cho Trung Quốc?

Chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 từng được tuyên bố sẽ chưa có giấy phép xuất khẩu trước khi Không quân Nga được trang bị với số lượng đủ lớn.

Tuần trước, Giám đốc hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Tập đoàn Roctec, ông Viktor Kladov đã có bài trả lời phỏng vấn tạp chí Jane's Defense Weekly của Anh, trong đó cho biết rằng dự kiến vài tuần tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ký giấy phép xuất khẩu cho Su-57E - biến thể thương mại của chiến đấu cơ tàng hình Su-57.

Đây là một động thái gây bất ngờ, bởi vì trước đó xuất hiện nhiều lời khẳng định từ các quan chức quốc phòng Nga rằng Su-57 sẽ chỉ được bán khi các chiến đấu cơ thế hệ 4 của Nga đã tỏ ra lạc hậu trước sản phẩm cùng loại của phương Tây hoặc khi Không quân Nga đã được trang bị đủ số lượng cần thiết.

Nhưng nay Moskva lại cho thấy ý muốn sẵn lòng xuất khẩu Su-57E cho dù chiếc tiêm kích tàng hình này chưa thực sự hoàn thiện và còn đang trầy trật trong quá trình sản xuất hàng loạt, nguyên nhân chính là do đâu?

Mẫu thử T-50 của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57

Theo các chuyên gia, có thể Nga hiện tại đang rất thiếu ngân sách để duy trì các chương trình quốc phòng tốn kém của mình trong hoàn cảnh phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, khiến kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn.

Trong năm 2018, số lượng máy bay chiến đấu mới được Không quân Nga tiếp nhận đã quay về mức tương đương năm 2013 và chưa có dấu hiệu sớm được cải thiện. Bên cạnh đó nguồn lực của Moskva còn đang phải phân chia cho nhiều dự án vũ khí chiến lược thế hệ mới khác.

Xuất khẩu sớm Su-57 sẽ giúp Nga thu được nguồn tài chính cần thiết để quay vòng cho tái đầu tư sản xuất, bên cạnh đó họ có thể "nhờ" những khách hàng tiềm năng phát hiện giúp nhược điểm còn tồn tại để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

Ứng viên tiềm năng sẽ mua Su-57E bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...

Những khách hàng tiềm năng nhất của Su-57E được Nga liệt kê ra bao gồm: Thổ Nhĩ Kỳ khi quốc gia này đang muốn tìm một dòng tiêm kích tàng hình để thay thế F-35A Lightning II, hay Ấn Độ khi New Delhi đã hủy bỏ dự án liên doanh FGFA và đang nhắm luôn việc mua Su-57.

Tuy vậy khách hàng mà Nga đặt nhiều kỳ vọng nhất hiện nay lại chính là Trung Quốc bởi tiềm lực tài chính hùng hậu của Bắc Kinh, nhất là tính đến thời điểm hiện tại họ vẫn là đối tác lớn nhất mua chiến đấu cơ thế hệ 4,5 Su-35S của Nga.

Mặc dù vậy, theo đánh giá kể cả Trung Quốc có mua Su-57 đi nữa thì số lượng cũng chỉ rất nhỏ để giao cho nó vai trò mẫu đối chứng công nghệ với J-20 và J-31 hay sử dụng làm "quân xanh" trong những trận luyện tập đối kháng mà thôi.

Vấn đề đáng kể nhất của Su-57E chính là máy bay vẫn sử dụng động cơ AL-41F1S của tiêm kích thế hệ 4, bị đánh giá là không cung cấp đủ lực đẩy để máy bay hành trình siêu thanh khi chưa bật chế độ tăng lực.

Muốn khắc phục nhược điểm này Nga cần sớm hoàn thiện động cơ chuẩn thế hệ 5 Izdeliye 30 thì may ra triển vọng xuất khẩu của Su-57E mới sáng sủa hơn.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vi-sao-nga-phai-chao-ban-quoc-bao-su-57-cho-trung-quoc-3377579/