Vì sao Nga vội vàng rút toàn bộ trực thăng tấn công tại Syria về nước?

Không quân Nga được nhận định đã phải rút toàn bộ trực thăng tấn công khỏi căn cứ Hmeimim trước nguy cơ đối đầu với tên lửa vác vai Yerli do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

 Hình ảnh vệ tinh mới nhất tại căn cứ Hmeimim của Nga tại Syria cho thấy hiện tại đang có 7 máy bay ném bom tiền tuyến Su-24, 4 cường kích tầm thấp Su-25, 7 máy bay ném bom tiền tuyến Su-34, 4 tiêm kích đa năng Su-35.

Hình ảnh vệ tinh mới nhất tại căn cứ Hmeimim của Nga tại Syria cho thấy hiện tại đang có 7 máy bay ném bom tiền tuyến Su-24, 4 cường kích tầm thấp Su-25, 7 máy bay ném bom tiền tuyến Su-34, 4 tiêm kích đa năng Su-35.

Bên cạnh đó còn ghi nhận sự hiện diện của 1 máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không A-50U AWACS, 1 máy bay trinh sát điện tử Il-20 ELINT, 2 máy bay vận tải hạng nặng Il-76 và 1 máy bay trinh sát An-30.

Như vậy có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là tại Syria vào thời điểm này không quân Nga không còn duy trì một chủng loại trực thăng tấn công nào nữa mà toàn bộ là phản lực cánh cố định.

Sự thiếu vắng được cho là khá bất ngờ khi hồi tháng 6/2019, sự hiện diện của Mi-35M, Mi-28NM Night Hunter và Ka-52 Alligator tại căn cứ không quân Hmeymim được xác định lên tới con số trên 10 chiếc.

Đặc biệt nhất là chiếc trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter, khi nó được điều động sang Syria để thử nghiệm tính năng sau nâng cấp, cũng như kiểm tra tên lửa chống tăng mới Article 305.

Ngoài ra trực thăng tấn công Ka-52 cũng cần có màn thể hiện ấn tượng hơn tại vùng có khí hậu nóng như Syria sau khi bị Ai Cập phàn nàn rất nhiều về hiệu suất thực tế.

Việc không quân Nga rút hết trực thăng khỏi Syria được nhận định có thể là do họ đã thay đổi chiến thuật tấn công khi chỉ sử dụng máy bay cánh cố định.

Tuy nhiên bên cạnh đó còn luồng ý kiến thứ hai đó là chiến thuật tấn công tầm thấp của không quân Nga đã phá sản do trong tay phiến quân đã có thứ vũ khí siêu đặc biệt.

Hình ảnh từ chiến trường cho thấy trong tay phiến quân khủng bố đã có dòng tên lửa vác vai Yerli hay còn được gọi là Karaok cực kỳ hiện đại do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Đặc điểm nổi bật của vũ khí này đó là ngoài đầu dò hồng ngoại thì nó còn bắt được cả tia UV, phương pháp dẫn đường này qua mặt mọi hệ thống đối kháng điện tử tối tân của Nga.

Loại tên lửa phòng không vác vai độc nhất vô nhị này được một số nguồn tin cho là vũ khí đã "vít cổ" chiếc Su-25SM3 tối tân của Nga tại Idlib hồi tháng 2/2018.

Máy bay bị rơi khi đó mang đầy đủ thiết bị tác chiến điện tử rất tinh vi mà theo lý thuyết sẽ đánh bại đầu dò của toàn bộ MANPADS dòng Strela, Igla, hay thậm chí cả FN-6 do Trung Quốc sản xuất.

Khi những máy bay cánh cố định có độ cao lớn, tốc độ nhanh và trang bị giáp cũng như hệ thống tác chiến điện tử dày đặc còn bị tên lửa Yerli bắn hạ dễ dàng thì trực thăng vũ trang khó lòng sống sót.

Chính vì vậy đối diện nguy cơ lớn từ phiến quân, việc Nga phải rút hết trực thăng tấn công về nước được đánh giá là hành động hợp lý.

Tuy nhiên nếu làm vậy, vũ khí Nga lại đối diện nguy cơ mất uy tín nặng nề trên thị trường thế giới.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-vi-sao-nga-voi-vang-rut-toan-bo-truc-thang-tan-cong-tai-syria-ve-nuoc/817851.antd