Vì sao ngành bán dẫn Trung Quốc vào tầm ngắm của Mỹ?

Mặc dù đã phát triển nhiều năm nay, ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ của Mỹ.

Từ năm 2019, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp đưa ra những quy định trừng phạt nhắm vào ngành công nghệ Trung Quốc. Không chỉ khiến công ty viễn thông hàng đầu nước này là Huawei khốn đốn, những chính sách của Mỹ còn có thể khiến ngành bán dẫn Trung Quốc lao đao.

Nhà máy hiện đại, trị giá 24 tỷ USD của Yangtze Memory tại Vũ Hán. Đây là công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Nikkei.

Hai ông lớn tại Trung Quốc lao đao

Ngày 5/9, Bloomberg đưa tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét kế hoạch đưa SMIC, nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

Nếu có tên trong danh sách này, các công ty muốn giao dịch với SMIC sẽ phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ.

Chip nhớ, linh kiện được sử dụng trong phần lớn thiết bị điện tử, cũng cần những công nghệ từ Mỹ để sản xuất. Ảnh: Yangtze Memory.

Tới ngày 10/9, tới lượt Yangtze Memory Technologies, công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc kêu khó nếu không được tiếp cận công nghệ Mỹ. Theo Bloomberg, Phó chủ tịch Zheng Jiuli của Yangtze Memory cho biết 80% thiết bị của họ được nhập từ Mỹ và Nhật. Những nhà cung ứng Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghệ của Yangtze.

"Sự đầu tư lâu dài vào nghiên cứu, phát triển đã đem lại lợi thế công nghệ cho họ. Đấy cũng là lý do sản phẩm của họ đang chiếm lĩnh thị trường và rất khó bị thay thế", ông Zheng chia sẻ.

Những công nghệ nền tảng của chế tạo, sản xuất bán dẫn đang là nút thắt khiến ngành bán dẫn Trung Quốc gặp khó. Mặc dù nước này đưa ra rất nhiều chương trình để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn nội địa, như quỹ đầu tư bán dẫn trị giá 29 tỷ USD được công bố cuối năm 2019, sự thua hụt về khoa học cơ bản so với Mỹ vẫn là rất lớn.

"Trung Quốc còn lâu mới có thể thách thức sự thống trị của Mỹ trong ngành bán dẫn toàn cầu", Zhao Weiguo, Chủ tịch tập đoàn Tsinghua Unigroup sở hữu Yangtze Memory thừa nhận vào năm 2019.

Ông Zheng cũng cho biết Yangtze Memory chưa thể đặt ra thời hạn để chuyển đổi sang các nhà cung cấp Trung Quốc. Công ty này hiện sở hữu một nhà máy tại Vũ Hán trị giá 22 tỷ USD, là nhà mày sản xuất chip 3D NAND hiện đại nhất Trung Quốc.

Vì sao Mỹ là số một trong ngành bán dẫn?

Dù không có nhiều thương hiệu Mỹ đứng đầu ở mảng sản xuất chip nhớ, chip xử lý, thì các công ty Mỹ lại đứng sau phần lớn những công nghệ cần thiết để làm nên những con chip.

Trong ngành phần mềm thiết kế và mô phỏng chip, các công ty dẫn đầu đều là công ty Mỹ: Cadence Design Systems, Synopsys và Ansys. Hãng lớn thứ 3 trong ngành này là Mentor Graphics bị Siemens của Đức mua lại năm 2016, nhưng đến nay vẫn duy trì nhiều hoạt động tại Mỹ.

Công ty gia công chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC cũng gặp khó trước các quy định của Mỹ. Ảnh: Nikkei.

Sau khi thiết kế, quá trình gia công sẽ được thực hiện ở các nhà máy, thường được gọi là fab. Đây là quá trình phức tạp, từ khâu tinh luyện silicon, sản xuất ra các tấm bán dẫn hình tròn (wafer), in thiết kế chip lên tấm bán dẫn (quá trình quang khắc), sau đó làm sạch bề mặt, thay đổi tính chất dẫn điện, cuối cùng là cắt tấm bán dẫn ra thành các con chip thực thụ.

Quá trình này cũng không tránh khỏi ảnh hưởng mạnh từ các công ty Mỹ. Applied Materials, Lam Research và KLA-Tencor là các công ty Mỹ lớn nhất trong mảng thiết bị sản xuất chip. Họ cùng với công ty Hà Lan ASML và Tokyo Electron của Nhật là những cái tên thống trị trong ngành thiết bị sản xuất.

Các hóa chất, vật liệu trong ngành cũng chủ yếu do những cái tên từ Mỹ như Dow DuPont, 3M hay Corning cung cấp. Lệnh cấm của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng cả tới các công ty vật liệu này.

Công nghệ Mỹ vẫn đang thống trị trong các khâu quan trọng nhất của quá trình thiết kế, sản xuất chip. Ảnh: Nikkei.

"Cuối cùng thì Mỹ vẫn kiểm soát phần mềm cơ bản, khoa học vật liệu, hóa học, kim loại, cũng như các thiết bị căn bản nhất trong sản xuất chip và thiết bị điện tử. Một số kim loại cao cấp được dùng trên máy bay cũng sử dụng trong các thiết bị điện tử dân dụng, và Mỹ vẫn kiểm soát những công nghệ lõi quan trọng đó", Su Tze-yun, Giám đốc Viên nghiên cứu bảo mật và an ninh Đài Loan chia sẻ với Nikkei.

Với những quy định hạn chế xuất khẩu công nghệ, Mỹ đã một lần nữa khẳng định vị thế số một trong công nghệ bán dẫn. Trung Quốc rất muốn thách thức vị trí này, nhưng hiện tại việc đó là không thể.

Áp lực về nguồn vốn trong phát triển mạng 5G tại Trung Quốc Sự phát triển quá nhanh chóng của mạng 5G tại Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn vốn.

Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nganh-ban-dan-trung-quoc-vao-tam-ngam-cua-my-post1130042.html