Vì sao ngành phân đạm đi đến đình đốn?

Nhu cầu phân đạm trong nước khoảng 2 triệu tấn/năm nhưng 4 nhà máy phân đạm đã có công suất lên đến 2,65 triệu tấn.

Các doanh nghiệp sản xuất phân đạm đang gặp nhiều khó khăn và thua lỗ lớn. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn.

Xuất phát muộn, đầu tư lớn, sản lượng sản xuất ra không tiêu thụ được,cộng thêm áp lực cạnh tranh, 2 nhà máy sản xuất đạm mới Ninh Bình và Hà Bắc đã thua lỗ kéo dài và khoản nợ ngày càng lớn.

Kỳ vọng thành thất vọng

Mở công ty mới ngay thời điểm hoàng kim của ngành phân đạm, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nuôi hy vọng Công ty Đạm Ninh Bình sẽ đem về khoản lợi nhuận lớn như Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau. Tuy nhiên, chỉ có trong tay 100 triệu USD, Vinachem đã đi vay vốn đầu tư trên 667 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất phân urê nhằm thay thế nguồn phân urê nhập khẩu.

Thế nhưng, mới đi vào sản xuất thời gian ngắn, nhà máy đạm Ninh Bình liên tiếp hư hỏng phải ngừng hoạt động. Cộng thêm chất lượng sản phẩm không như mong đợi và nguồn vốn đầu tư lớn khiến chi phí sản xuất bị đội lên. Trong khi đó, nhà máy phải gánh khoản lãi vay 2,6 tỉ đồng/ngày. Vì thế, ngay năm đầu tiên, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỉ đồng. Liên tiếp thua lỗ qua các năm, tính đến nay, công ty này đã thua lỗ 2.693 tỉ đồng. Cũng theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, tổng các khoản nợ tính đến cuối năm ngoái đã vượt 8.300 tỉ đồng.

Liên tiếp phải ngừng sản xuất và xin ưu đãi, Công ty được phép giãn thời gian trả nợ tối thiểu 5 năm cho chủ đầu tư là ngân hàng Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn. Công ty được cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành vốn góp nhà nước tại Vinachem để giảm số nợ gốc và lãi vay.

Trong khi đó, Đạm Hà Bắc cũng đứng trước cảnh nợ nần chưa tìm ra lối thoát. Đây từng là thương hiệu lâu năm và trở thành “huyền thoại” của kinh tế miền Bắc trước đây. Năm 2010, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD. Khi đó nguồn vốn tự có chỉ khoảng 102 triệu USD, nên Công ty phải đi vay tổng cộng hơn 5.000 tỉ đồng. Nhưng năm ngoái, khi dự án đi vào hoạt động cũng là lúc Công ty lâm vào thua lỗ nặng với con số 675 tỉ đồng; năm nay, số lỗ dự kiến khoảng 488 tỉ đồng. Mặc dù dự kiến năm 2019, Đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ lũy kế, nhưng trong bối cảnh giá phân đạm giảm mạnh cùng sự cạnh tranh quyết liệt, số lỗ có nguy cơ sẽ lớn hơn nhiều lần so với dự báo. Tới thời điểm hiện tại, lỗ của Công ty đã lên tới trên 7.000 tỉ đồng.

Cũng phải nói thêm, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình là 2 công ty chuyên sản xuất phân urê nhưng thị trường này gần như đã bão hòa do quá nhiều nhà máy đầu tư cộng thêm lượng lớn nhập khẩu. Theo thống kê, nhu cầu phân đạm trong nước chỉ vào khoảng 2 triệu tấn/năm nhưng 4 nhà máy của Vinachem đã có công suất lên đến 2,65 triệu tấn.

Thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Đạm Phú Mỹ được coi là công ty có tỉ suất lợi nhuận tốt nhất ngành nhưng lợi nhuận cũng ngày càng giảm, đỉnh điểm năm 2012 là 3.500 tỉ đồng giảm xuống còn 1.800 tỉ đồng vào năm ngoái.

Công ty Vật tư tổng hợp và phân bón hóa sinh, đơn vị sở hữu thương hiệu phân bón Con Trâu cũng có cú trượt dài với khoản lỗ liên tiếp: từ 2 tỉ đồng năm 2012, đến năm ngoái, lỗ sau thuế lên tới gần 22 tỉ đồng. Từ một tên tuổi sản xuất phân NPK xếp thứ 3 sau Công ty Phân bón Bình Điền và Phân bón Proconco, doanh nghiệp này hiện lâm vào cảnh nợ nần.

Khó chồng khó

Nguồn cung dư thừa nhưng Đạm Phú Mỹ luôn sản xuất vượt khoảng 20.000-50.000 tấn so với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm. Đạm Cà Mau ngay cả trong giai đoạn khó khăn của đầu năm nay, công suất thực tế cũng duy trì mức vượt xấp xỉ 10% công suất thiết kế. Đạm Cà Mau ra đời vào thời điểm thị trường tăng trưởng mạnh nên tận dụng được lợi thế, nhưng gần đây công ty này không đạt được lợi nhuận như năm ngoái. Tính hết quý III, Đạm Phú Mỹ đạt lợi nhuận sau thuế gần 1.009 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, Đạm Cà Mau đạt 393 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Mục tiêu năm 2016 Đại hội cổ đông đặt ra là lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 684 tỉ đồng. Vì thế, Đạm Cà Mau khó hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Thị trường urê ngày càng cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất trong nước, giữa urê trong nước với urê nhập khẩu. Từ năm 2012 trở về trước, 40% nhu cầu phân bón trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc chiếm một nửa vì có giá thấp. Bên cạnh đó, Nhật và các nước Trung Đông cũng là các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu phân bón sang Việt Nam.

Chỉ trong vòng vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm ngoái, giá dầu thô sụt giảm mạnh kéo theo giá khí sụt giảm, cùng với tình trạng khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp, sự gia tăng của nguồn cung đạm nhập khẩu… đã khiến giá đạm rơi không phanh. Trước đây, giá đỉnh điểm phân ure 11.000-12.000 đồng/kg thì đầu năm 2016, giá tại khu vực phía Nam còn dưới 6.000 đồng/kg.

Nhà máy đạm Ninh Bình ngoài những yếu tố công nghệ sử dụng khí hóa than trong sản xuất đạm đã quá cũ, lạc hậu khiến giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp khó cạnh tranh thì yếu tố công nghệ máy móc nhập từ Trung Quốc cũng ảnh hưởng rất lớn.

Trong một văn bản gửi lên Bộ Công Thương, ban lãnh đạo Đạm Ninh Bình đã thừa nhận tình trạng hư hỏng lặt vặt của máy móc thiết bị nhập từ Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Nguyên nhân là do ngân hàng Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất 4%/năm với điều kiện ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc.

Tình hình kinh doanh của các nhà máy đạm còn bị ảnh hưởng bởi nạn phân bón giả ngày một hoành hành. Ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chia sẻ với báo chí, phân bón chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào trong trồng trọt, là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông sản. Theo tính toán của ngành, mỗi năm Việt Nam có thể bị thiệt hại đến hơn 2,5 tỉ USD do phân bón giả, kém chất lượng gây ra. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên thị trường hiện nay có khoảng hơn 7.000 loại phân bón với nhiều tên gọi, hoạt chất khác nhau. Mặc dù các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, nhưng đến nay, thị trường phân bón vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khiến tương lai của ngành phân bón Việt Nam càng khó phân định.

Theo NCĐT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/vi-sao-nganh-phan-dam-di-den-dinh-don-2220989.html