Vì sao nghề báo nguy hiểm?

Hollywood có rất nhiều bộ phim khắc họa nghề báo. Ở đó, nghề báo được nhìn dưới góc nhìn toàn diện, là sự hiểm nguy và đơn độc khi đưa sự thật ra ánh sáng.

His Girl Friday (1940): Trong tác phẩm đen trắng thể loại lãng mạn hài hước của đạo diễn Howard Hawks, Rosalind Russell vào vai Hildy Johnson, nữ phóng viên tài năng kiêm vợ cũ của Burn - một biên tập. Cả hai người đều sẵn sàng liều mạng, bất chấp tất cả để theo đuổi đến tận cùng câu chuyện. Burns sẵn sàng mua chuộc nguồn tin, còn Russell dù miệng nói muốn làm người phụ nữ của gia đình lại bỏ vị hôn phu chờ mỏn mỏi vì mải săn tin. Bộ phim mô tả chân thực không khí làm báo của thập niên 1940, với những phòng họp chật cứng phóng viên, mỗi người đều hừng hực tinh thần cạnh tranh để tờ báo của mình là nơi đầu tiên công bố tin tức nóng.

Citizen Kane (1941): Năm 1887, William Randolph Hearst trở thành chủ biên của tờ San Francisco Examiner - tờ báo đã giúp ông xây dựng sự nghiệp và trở thành ông trùm của ngành báo chí, xuất bản. Citizen Kane không chỉ là một bộ phim về ngành báo mà còn là một tác phẩm báo chí. Ở đó, sự thật được nhìn từ nhiều phía, ở nhiều góc độ khác nhau.

Network (1976): Bộ phim ra đời 44 năm về trước đã thắng 4 giải Oscar vào năm 1977, trong đó có một giải dành cho kịch bản gốc xuất sắc. Sự thông minh của bộ phim nằm ở chỗ, phim cho thấy ngôn từ là con dao hai lưỡi, và nguồn sức mạnh tối thượng mang tên tin tức đôi khi lại rơi vào tay không đúng người, hoặc đến sai đối tượng tiếp thu.

All the President’s Men (1976): Bộ phim của đạo diễn Alan J. Pakula tập trung khắc họa chân dung vị tổng biên tập - bộ não đảm bảo mọi công việc của tòa báo diễn ra suôn sẻ. Tại tòa báo The Post trong bộ phim, đó là Ben Bradlee (Jason Robards). Bradlee giống như một vị chỉ huy - nhanh chóng, sáng suốt và quyết đoán trong mọi tình huống. Ông là người đưa ra mệnh lệnh cho cấp dưới và chèo lái tòa báo vượt qua những sóng gió của thời đại.

The Killing Fields (1984): Bộ phim giống như một cuốn tiểu thuyết chương hồi đề cập tới thế giằng co của một người làm báo giữa hoàn cảnh lịch sử quá nhiều biến động. Ngòi bút cũng phải tranh đấu, giằng xé giữa những sự thật mà một cá nhân nhìn thấy và một xã hội nhìn thấy.

Broadcast News (1987): Theo Los Angeles Times, Broadcast News là bộ phim được chào đón nhất năm 1987. Nhà phê bình Roger Ebert của tớ Chicago Sun-Times đã ca ngợi bộ phim đã đào sâu nghiên cứu quy trình thu thập tin tức của các kênh truyền hình hơn bất cứ bộ phim nào từng được thực hiện. Ông cũng đánh giá phim đã khắc họa được chân dung những con người chọn dấn thân vào nghề báo để sự bận rộn của nó giúp họ lãng quên nỗi cô độc riêng tư. Nhân vật Jane Craig của Holly Hunter cũng được Jonathan Rosenbaum của Chicago Reader đánh giá cao. Sự hăm hở, năng động, thậm chí hiếu chiến của cô là bức chân dung phức tạp nhất mà Hollywood từng thể hiện về một phụ nữ thành đạt.

Good Night, and Good Luck (2005): Bộ phim do George Clooney đạo diễn đã sử dụng vụ điều tra Joseph McCarthy trong những năm 1950 để thể hiện sức mạnh của tin tức trong đời sống xã hội. Trong phim, nhà báo truyền hình Edward R. Murrow đã tìm cách vạch trần những lời dối trá, và chính sách chèn ép người không cùng quan điểm của chính quyền. Murrow và các cộng sự đã bị ngăn cản, đe dọa tính mạng, thậm chí bị vu cáo.

Frost/Nixon (2008): Để gây dựng danh tiếng, phóng viên David Frost (Michael Sheen) đã xoay sở để có được một cơ hội phỏng vấn Richard Nixon (Frank Langella). Bộ phim của đạo diễn Ron Howard xây dựng một tình huống lạ lùng – khi nhân vật có sức mạnh, và ảnh hưởng đã cố thao túng ngược lại người phóng viên đang đặt câu hỏi bằng cách lên mặt dạy đời và cố tình nói lạc đề. Tuy nhiên, trong buổi phỏng vấn cuối cùng, Frost cũng dồn được Nixon vào chân tường bằng những câu hỏi sắc bén, buộc vị tổng thống toát mồ hôi và không còn khả năng quanh co cho qua chuyện.

Spotlight (2015): Bộ phim xoay quanh cuộc điều tra vụ bê bối che giấu lạm dụng tình dục. Đạo diễn McCarthy và biên kịch Josh Singer muốn thể hiện chân thực nhất cách hoạt động báo chí diễn ra, và đã thành công. Spotlight thắng hai giải Oscar dành cho kịch bản và phim xuất sắc. Không chỉ mô tả công việc và một số thủ pháp làm việc của những nhà báo điều tra, bộ phim còn cho thấy cả sự mệt mỏi, gánh nặng trách nhiệm mà họ phải gánh trên vai, và những cái giá phải trả khi đưa sự thật ra ánh sáng.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nghe-bao-nguy-hiem-post1098027.html