Vì sao Nghị định xử phạt nồng độ cồn có hiệu lực chỉ sau 2 ngày ký?

Văn bản luật cấp Trung ương được quy định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ khi ký ban hành. Nghị định 100 là trường hợp đặc biệt khi chỉ sau 2 ngày thông qua đã có hiệu lực.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46/2016) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau 2 ngày (1/1/2020).

Các chuyên gia luật coi đây là trường hợp đặc biệt, bởi theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thời gian có hiệu lực của văn bản là sau 45 ngày kể từ thời điểm thông qua hoặc ký ban hành.

 Sau 5 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, CSGT toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Chí Hùng.

Sau 5 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, CSGT toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Chí Hùng.

Trường hợp văn bản pháp luật của chính quyền cấp tỉnh, thời hạn có hiệu lực không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Với cấp huyện, xã là tối thiểu 7 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng việc Nghị định 100/2019 có hiệu lực chỉ sau 2 ngày ký ban hành vẫn hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 151, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, quy định một số văn bản pháp luật được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để có hiệu lực ngay từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Các văn bản được áp dụng trình tự rút gọn phải được đăng ngay trên cổng thông tin của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng công báo nước CHXHCN Việt Nam hoặc công báo tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Theo Điều 146 luật này, trình tự, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp; trường hợp đột xuất trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định; trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Luật sư Diệp Năng Bình đánh giá Nghị định 100/2019 phải ban hành sớm hơn thường lệ để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Khoản 6, Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Để luật này được thực thi, Nghị định 100/2019 phải đồng thời có hiệu lực.

Từ khi trình tự rút gọn được áp dụng, đã có nhiều văn bản được xét hiệu lực ngay tại thời điểm ký ban hành. Ví dụ mới nhất là Nghị định 87/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống rửa tiền (ban hành và có hiệu lực cùng ngày 14/11/2019) hay Nghị định 72/2019/NĐ-CP hướng dẫn về quy hoạch xây dựng (ban hành và có hiệu lực cùng ngày 30/8/2019).

Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-nghi-dinh-xu-phat-nong-do-con-co-hieu-luc-chi-sau-2-ngay-ky-post1033731.html