Vì sao ngư dân đi biển lặng lẽ 'biến mất'?

Bà Đỗ Thị Hương, vợ cựu chiến binh Đặng Văn Đức, ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, lập bàn thờ chồng, sau khi tàu cá của ông trở về bến và các ngư dân trên tàu cho biết, ông Đức đã mất tích ở vùng biển Hoàng Sa. Còn bà Trần Thị Ngàn, cựu chiến binh ở xã Hoài Mỹ cũng đau đớn vì con trai vừa mất tích ngoài biển. Từ đầu năm đến nay, có 4 ngư dân ở huyện Hoài Nhơn biến mất dưới làn nước sâu thẳm và để lại nỗi đau cho gia đình. Nguyên nhân vì sao ngư dân mất tích - câu hỏi này cần nhanh chóng được làm sáng tỏ để người dân yên tâm.

Bà Đỗ Thị Hương (ngoài cùng bên trái), vợ nạn nhân Đặng Văn Đức mất tích ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Lê Văn Chương

Xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bình yên bên cánh đồng lúa vàng rộm, thấp thoáng những gò cát và núi Đá Trắng, Đá Đen. Thanh niên trong làng trở thành nguồn cung cấp nhân lực đi biển cho các xã lân cận như Hoài Hương... Vốn là nông dân, nên khi ra biển, những thanh niên Hoài Mỹ đều tranh thủ giờ rảnh rỗi để câu cá kiếm thêm thu nhập, nhờ đó, cuộc sống của họ đều khá lên so với những thanh niên chỉ chuyên việc đồng áng.

Hai lần tôi vào công tác tại địa bàn này thì lần nào cũng nhận được tin có ngư dân vừa rơi xuống biển mất tích. Cách đây chưa lâu là ngư dân Phạm Minh Hải, ở thôn Xuân Vinh đã mất tích, bỏ lại bầy con thơ và người vợ bệnh tật. Anh Hải đi biển, nhưng chân hơi yếu nên rơi xuống biển là mất tăm. Còn lần này là ngư dân Phạm Văn Hoan. Chàng ngư dân này sinh năm 1982 và đang ở tuổi sung mãn, có nhiều kinh nghiệm đi biển, nhưng đã nằm lại dưới đáy biển sâu.

Ngôi nhà của ngư dân Phan Văn Hoan mới được xây dựng và ốp gạch men màu trắng. Bà Trần Thị Ngàn (65 tuổi), mẹ của ngư dân xấu số này ngồi dựa vào tường khóc ngất. Bà con hàng xóm kéo đến ngồi chật trong nhà để động viên và chia sẻ nỗi buồn mất mát với gia đình.

Anh Hoan đi trên tàu cá BĐ 96859 TS của ông Chế Minh Đại và mất tích vào sáng ngày 17-4, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tàu cá của ngư dân tổ chức tìm kiếm nhiều ngày và hiện nay vẫn còn đang đánh bắt ngoài khơi. Những người đến chia buồn với gia đình của anh Hoan cho biết: “Mới có 2 ngư dân ở xóm bên rớt xuống biển, giờ lại thêm một thanh niên nữa ra đi”.

Bà Trần Thị Ngàn có 2 người con trai, anh Hoan hiện nay sống chung với bà. Hai mẹ con mới tích cóp và xây dựng được ngôi nhà mới, chưa thanh toán hết tiền chi phí và còn nợ gần 100 triệu đồng thì anh Hoan mất tích. Bà Ngàn là cựu chiến binh, thương binh loại 4. Mấy đồng trợ cấp ít ỏi cũng chỉ giúp bà sống được qua ngày, không thể trả hết món nợ mà hai mẹ con bà vay làm nhà. Đau đớn vì mất con, bà lấy quần áo trong tủ ra, đặt tay lên lưng áo để mong tìm lại được một chút hơi ấm của con.

Lướt qua những cuốn sổ tổng hợp tình hình của BĐBP Bình Định và các địa phương lân cận như tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, có thể thấy, vụ việc ngư dân rơi xuống biển mất tích liên tục xảy ra và có chiều hướng tăng lên, nhưng nhiều nhất vẫn là ngư dân tỉnh Bình Định. Qua nghiên cứu hồ sơ, các vụ việc này cho thấy có 2 hình thức xảy ra: Phần lớn ngư dân mất tích là do rơi xuống biển, nhưng không ai biết; hoặc khi rơi xuống biển, trên tàu không thể vớt kịp hoặc xử lý tình huống chưa tốt.

Tại ngôi nhà của nạn nhân Đặng Văn Đức (sinh năm 1964), ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), bà Đỗ Thị Hương, vợ nạn nhân cho biết: Chồng bà bị nạn vào ngày 13-4 khi đi trên tàu cá BĐ 95725 TS của ông Nguyễn Văn Lý. Các ngư dân vào bờ kể lại, khi ông Đức và ông Quân xuống thúng câu mực, ông Quân giật mực và ngả lưng vào người ông Đức nên gây mất cân bằng và úp thúng. Ông Quân bơi được về phía tàu, còn ông Đức mất tích, dù biển hoàn toàn lặng sóng.

Những vụ “thấy người trôi mà không ném dây kịp” cũng từng xảy ra trên tàu cá QNg 94470 TS của ngư dân Nguyễn Tình ở Quảng Ngãi. Có 3 ngư dân đã rơi một lúc xuống biển và trôi đi rất nhanh, không ai kịp trở tay. Vào thời điểm đó, trên biển có sóng lớn và tầm quan sát hạn chế.

Nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ chia sẻ với phóng viên: Thứ nhất là hiện nay tàu cá của ngư dân thường có chiều dài hơn 20m, vì vậy, khi có gió cấp 7, cấp 8, thậm chí là cấp 9 thì các ngư dân vẫn trụ lại đánh lưới. Gió càng lớn thì cá càng nhiều. Vào những thời điểm đó, nếu ngư dân rơi xuống phía sau tàu thì chỉ trong vòng vài phút là “biến mất”. Ngư dân Trần Long ở xã Hoài Mỹ cho biết: “Thậm chí thấy người rớt đó, cúi xuống lượm sợi dây ném theo mà còn không kịp”.

Về kinh nghiệm đi biển, các ngư dân chia sẻ: “Sợ nước hơn sợ gió”. Nước biển thường chảy rất mạnh, nhất là khi tàu cá đi vào giữa các vùng hải lưu, có nhiều luồng cá. Nếu ngư dân rơi xuống biển trong đêm tối và rơi phía sau tàu thì chỉ 5 phút là trôi mất tích. Tiếng la của ngư dân không bao giờ nghe được, vì bị tiếng máy tàu và âm thanh của sóng khỏa lấp.

Khi đề xuất việc mặc áo phao đi lại trên tàu thì các ngư dân cho biết, áo phao thường vướng vào các mắt lưới. Vì vậy, cần sản xuất loại áo phao trơn, ít có các mấu bám để ngư dân có thể mặc và vẫn kéo lưới thoải mái trên tàu.

Báo Biên phòng từng có bài viết: “Đằng sau nhiều vụ ngư dân mất tích trên biển: Sự thật ít ai ngờ tới”. Bài viết này đã mô tả tỉ mỉ những nguyên nhân khiến ngư dân mất tích, trong đó đề cập sâu vào việc tàu cá không có nhà vệ sinh, có tàu được thiết kế nhà vệ sinh, nhưng sau đó lại đập bỏ. Qua khảo sát các tàu cá được biết, khoảng 80% vụ việc ngư dân mất tích là do đi vệ sinh trên thành tàu và rơi xuống nước.

Ngư dân Trần Văn Hạnh, xã Tam Quan Bắc tính toán, mỗi phiên biển tổn phí khoảng 100 triệu đồng, vì vậy, cứ mỗi ngày kéo lưới lên phải kiếm được trên 5 triệu đồng thì mới có tiền chia. Do biển cạn kiệt nguồn thủy sản nên ngư dân chấp nhận ở lại ngoài biển lúc sóng to, gió lớn để kiếm được nhiều cá. Vì vậy, nhiều ngư dân lỡ sảy chân mà rớt xuống sau tàu, gặp sóng đánh mạnh thì khó vớt kịp. Bên cạnh đó, nhiều tàu cá vẫn chưa lắp đặt các thiết bị an toàn cho người đi biển, vì vậy, lỡ sảy chân là mất mạng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vi-sao-ngu-dan-di-bien-lang-le-bien-mat/