Vì sao người Anh thường đặt tên cho ngôi nhà của họ?

Nếu lang thang trên đường phố ở nước Anh, nhiều người có thể bắt gặp một ngôi nhà được gắn cái tên như The Laurels, Belle Vue hoặc The Myrtles. Theo tờ The Economist, việc người Anh đặt tên cho ngôi nhà của mình là thể hiện vị trí của mình trong xã hội.

Đối với nhiều người dân ở xứ sở sương mù, đánh số nhà trên phố chưa đủ, do vậy cần phải tạo ra sự khác biệt cho từng ngôi nhà. Ví dụ như, Cung điện Buckingham có địa chỉ ở số 1 The Mall vì nó nằm trên The Mall-một đại lộ mang tính biểu tượng ở trung tâm thủ đô London.

Một ngôi nhà mang tên The Laurels ở Anh. (ảnh: knightfrank.co.uk).

Laura Wright, nhà ngôn ngữ học của Trường Đại học Cambridge đồng thời là tác giả cuốn “Sunnyside: Lịch sử xã hội học về đặt tên nhà ở Anh” cho rằng, việc đặt tên nhà liên quan tới vấn đề tầng lớp xã hội. Theo bà Wright, trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, những ngôi nhà tư nhân rất ít. 9/10 hộ gia đình ở Anh khi đó đi thuê nhà để ở. Sau chiến tranh, việc xây dựng nhà diễn ra ồ ạt dẫn tới sự gia tăng số lượng nhà có chủ sở hữu. Đến năm 1939, tỷ lệ nhà riêng ở xứ sở sương mù tăng lên 25%. Trước sự gia tăng đột biến này, người dân Anh quyết định đặt tên cho các khu dân cư. Theo bà Wright, có 5 tiêu chí để đặt tên cho ngôi nhà, gồm: Vay mượn từ đồng nghĩa (ví dụ ngôi nhà Hanover Lodge-tên thủ phủ Hanover thuộc bang Hạ Saxony của Đức); Hoài cổ (ví dụ Orchard House), tên kỷ niệm (ví dụ Albert Villa lấy theo tên của chồng Nữ hoàng Victoria), tên liên quan tới tầng lớp quý tộc (Grosvenor House) và tên phát minh (Dunroamin).

Trong từng trường hợp, việc lựa chọn tên cho ngôi nhà phụ thuộc vào chủ sở hữu nhằm thể hiện uy quyền hay vị thế của họ trong xã hội. Theo kết quả khảo sát do Hãng bưu chính quốc gia Anh (Royal Mail) thực hiện năm 2015, ở Anh có 230 ngôi nhà mang tên Clarence, 133 ngôi nhà mang tên Sandringham và 67 ngôi nhà mang tên Balmoral.

Năm 2017, cơ quan bất động sản Savills còn chứng kiến sự thay đổi cách gọi ngôi nhà mới ở nông thôn, sau khi người dân bỏ tên “nông trại” (Farm) cũ để thay thế bằng tên gọi “trang viên” (Manor).

Theo The Economist, nửa cuối thế kỷ XX, các tòa nhà ở xã hội cũng được gọi bằng cái tên sang trọng, thanh lịch nhưng nhiều đến mức sau đó người ta lại muốn quay trở lại đánh số nhà như ban đầu.

PHƯƠNG LINH (theo The Economist)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vi-sao-nguoi-anh-thuong-dat-ten-cho-ngoi-nha-cua-ho-613191