Vì sao người dân làng Giảng Hòa phản đối việc khơi dòng lạch Khe Gai?

Liên tiếp trong 5 ngày (từ ngày 7 đến ngày 11-1-2019), gần 100 người dân làng Giảng Hòa (cũ), xã Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam kéo ra bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua làng phản đối doanh nghiệp thi công công trình nạo vét lạch Khe Gai (đoạn nối giữa sông Thu Bồn và sông Quảng Huế).

Liên tiếp trong 5 ngày (từ ngày 7 đến ngày 11-1-2019), gần 100 người dân làng Giảng Hòa (cũ), xã Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam kéo ra bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua làng phản đối doanh nghiệp thi công công trình nạo vét lạch Khe Gai (đoạn nối giữa sông Thu Bồn và sông Quảng Huế).

Người dân lập bờ rào chắn đường và ra bờ sông Thu Bồn phản đối việc khai thác cát.

Người dân lập bờ rào chắn đường và ra bờ sông Thu Bồn phản đối việc khai thác cát.

Nguyên nhân nào dẫn đến việc người dân bức xúc như vậy? Theo ông Phạm Đấu-Thôn trưởng thôn Phú Long: Đa số người dân thôn Phú Long bây giờ có nguồn gốc là người của làng Giảng Hòa. Làng Giảng Hòa nằm ở bờ bắc sông Thu Bồn, có tổng diện tích khoảng 100 ha với 216 hộ dân, 780 nhân khẩu. Trong cơn lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964, nước đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà và tất cả tài sản người dân, gây sạt lở 65 ha đất làng. Đến năm 1999, do lũ lớn, làng bị sạt lở nhiều nên chính quyền bố trí người dân sang định cư tại thôn Phú Long. Dù di dời nhưng đến mùa, người dân lại về quê cũ canh tác, chăm nom mồ mả...

Để bảo vệ những gì mà cha ông để lại và chống sạt lở, người dân tổ chức trồng tre, trồng bói... đặc biệt nghiêm cấm việc khai thác cát trên sông chảy khu vực làng Giảng Hòa. Thế nhưng, từ năm 2016 ngày cũng như đêm, lúc nào trên sông Thu Bồn (đoạn chảy qua làng Giảng Hòa) cũng có khoảng 10 chiếc thuyền tải trọng lớn khai thác cát thường xuyên nên cơn lũ năm 2017 đã làm xói lở đất nông nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Vì thế, nhiều lần người dân gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng không thấy cơ quan nào giải quyết. Trước những bức xúc của người dân, đại diện chính quyền xã Đại Thắng, trả lời: Các công ty khai thác cát này đều được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép nên... đành chịu. Ấm ức mãi nên khi phát hiện đơn vị thi công công trình nạo vét lạch Khe Gai có dấu hiệu vận chuyển cát vừa nạo vét đi nơi khác nên tổ chức phản đối.

Tương tự, ông Lê Văn Lanh (1974), trú Phú Long, Đại Thắng, cho biết: Mấy năm gần đây, một số Cty được cấp phép khai thác cát trên sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa bàn thôn Giảng Hòa hoạt động ráo riết khiến đất 2 bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Do vậy, cứ vào mùa mưa lũ đất 2 bên bờ sông Thu Bồn bị xâm thực nghiêm trọng. Chỉ trong 2 năm trở lại đây đã ăn sâu vào đất liền gần 50m, kéo dài cả ngàn mét dọc con sông Thu Bồn. Tôi có 1 sào đất canh tác, trước kia nằm cách bờ sông 30m nhưng năm trước cũng đã bị sông "nút chửng". Mỗi khi thấy ghe khai thác cát, người dân bức xúc dùng ghe nhỏ ra ngăn cản, giữa Cty và người dân cũng từng xảy ra xô xát.

Theo tìm hiểu, sông Thu Bồn (đoạn chảy qua thôn Giảng Hòa), năm 2016 UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác cát xây dựng cho 2 công ty, gồm: Tân Phước Yên và 276. Đến nay, giấy phép khai thác của công ty Tân Phước Yên đã hết hạn vào tháng 8-2018. Tuy nhiên, về quy trình cấp giấy phép khai thác này có nhiều vấn đề cần xem xét lại. Ông Lê Ngọc Tịnh, cư dân làng Giảng Hòa (cũ), trao đổi: Trước khi cấp phép, xã có tổ chức họp dân nhưng đa số phản đối, chỉ có vài người đồng ý nhưng chẳng hiểu từ đâu vẫn có biên bản 100% người dân đồng thuận để UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác. Mới 3 năm khai thác, nhưng mỗi khi đến mùa mưa lũ đất làng Giảng Hòa bị sạt lở vào sâu từ 15- 20m, kéo dài hàng ki-lô-mét, ước tính mất đi hàng chục héc-ta. Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Hải- Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, cho biết: Trước nạn sạt lở đe dọa, người dân ở thôn nhiều lần kiến nghị về việc dòng chảy ứ đọng cần có biện pháp khơi thông dòng chảy. Do vậy, dự án khơi thông dòng chảy Khe Gai và kênh tiêu nội đồng dài khoảng 500m được triển khai, dự kiến trong vòng 1 tháng sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đơn vị thi công làm không đúng với phương án ban đầu gây nên nhiều bức xúc trong người dân.

Sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã cử cán bộ phối hợp với lãnh đạo Phòng NN&PTNT H. Đại Lộc kiểm tra, ra quyết định đình chỉ dự án, sau đó sẽ tiến hành họp lấy ý kiến dân... Liên quan đến việc khai thác cát trên sông Thu Bồn, ông Hải cũng khẳng định, quan điểm của xã là nên dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Thu Bồn đoạn qua thôn Giảng Hòa vì về lâu sẽ gây xói lở đất. Do vậy, UBND xã Đại Thắng sẽ có văn bản đề nghị cấp trên thu hồi giấy phép khai thác cát của các doanh nghiệp. Một điều làm chúng tôi bất ngờ về dự án nạo vét lạch Khe Gai, ông Hồ Ngọc Mẫn-Phó chủ tịch UBND H. Đại Lộc phụ trách mảng kinh tế và môi trường, trao đổi: Đây là lĩnh vực phụ trách nhưng bản thân tôi không có bất cứ thông tin nào liên quan đến dự án này cả. Hiện tại, vụ việc được giao cho cơ quan Công an xác minh, báo cáo để có hướng xử lý...

Như vậy, việc người dân phản đối doanh nghiệp thi công công trình nạo vét lạch Khe Gai chỉ là cái cớ. Nguyên nhân sâu xa là do các cơ quan chức năng cấp giấy phép cho các công ty khai thác cát gây sạt lở bờ sông và gây thiệt hại đến tài sản của người dân.

V.Thi- L.Vương

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_201079_vi-sao-nguoi-dan-lang-giang-hoa-phan-doi-viec-khoi.aspx