Vì sao người già Nhật cố tình phạm tội để vào tù?

Khi người trẻ mải miết làm việc đến kiệt sức, không có thời gian cho bản thân và gia đình thì người già Nhật Bản trở nên cô đơn.

Nhật Bản đang phải đối phó với thực trạng tội phạm cao tuổi khi số lượng các vụ trộm cắp, bắt giữ người già ngày càng gia tăng, gánh nặng chi phí y tế cho các nhà tù cũng vì thế mà tăng theo.

Theo khảo sát, 20% phạm nhân trong nhà tù Nhật Bản là phụ nữ cao tuổi. Trong khi đó, chi phí y tế hàng năm tại các cơ sở cải huấn tăng cao, chạm mức 6 tỷ yen (tương đương hơn 50 triệu USD) vào năm 2016, tăng hơn 80% trong 10 năm qua.

Năm 2016, Nghị viện Nhật Bản đã thông qua đạo luật, đảm bảo người cao tuổi phạm tội được nhận hỗ trợ từ hệ thống phúc lợi và các dịch vụ xã hội của đất nước. Kể từ đó, các văn phòng của công tố viên và nhà tù làm việc chặt chẽ với các cơ quan chính phủ để đưa ra hỗ trợ cần thiết, kịp thời.

Vào ban ngày, nhà tù thuê điều dưỡng viên tắm rửa, vệ sinh cho các tù nhân cao tuổi. Song, vào ban đêm, công việc này được thực hiện bởi các cai ngục.

Một phạm nhân cao tuổi tâm sự: "Cuộc sống trong tù thật thư thái, thoải mái. Có người để tâm giao, trò chuyện, ngày 3 bữa cơm là đủ".

Người cao tuổi Nhật Bản thường cố tình trộm cắp vặt, để được sống trong nhà tù. Ảnh: Shiho Fukada.

Cuộc điều tra năm 2017 của chính quyền thành phố Tokyo cho thấy hơn 50% tội phạm ăn trộm thường sống một mình hoặc hiếm khi trò chuyện cùng người thân. Họ cho biết cảm thấy đơn độc mỗi khi gặp khó khăn. Đây là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ phạm tội ở người già tăng cao ở Nhật Bản và nó cho thấy hệ quả của tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với 27,3% người dân trên 65 tuổi, tỷ lệ này gấp đôi so với Mỹ. Suốt nhiều năm qua, chính phủ Nhật cố gắng khuyến khích các gia đình sinh thêm con nhưng dân số Nhật cứ ngày một co cụm và già đi.

Áp lực công việc ở Nhật Bản rất lớn và những người trẻ ở đất nước này làm việc quá nhiều, thậm chí làm việc đến chết. Tử vong và tự tử do làm việc quá sức đã trở thành một thực trạng nhức nhối tại Nhật Bản, đến mức đã có một từ riêng để chỉ vấn nạn này - karoshi.

Vì lẽ đó, Nhật Bản đã đưa ra dự luật, trong đó giới hạn mức trần đối với giờ làm thêm là 100 giờ/tháng, đồng thời ấn định mức phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhằm giảm tình trạng người lao động suy kiệt thể lực, trầm uất dẫn tới hành động tiêu cực như tự tử.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chỉ trích rằng số giờ làm thêm này vẫn quá cao và không giúp cải thiện tình hình.

Làm việc quá nhiều khiến người trẻ Nhật Bản không có thời gian cho bản thân và gia đình, kết cấu gia đình truyền thống bị phá vỡ, đẩy người già nước này vào sự cô đơn, không biết trò chuyện, chia sẻ cùng ai, thậm chí ước tính có khoảng 30.000 người cao tuổi ở Nhật từ giã cõi đời trong cô độc mỗi năm.

Bởi cô đơn nên nhiều người già Nhật tìm cách phạm tội để được vào tù. Như một phạm nhân cao tuổi thú nhận: "Tôi thích cuộc sống trong tù hơn. Những người bạn tù luôn cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn, hàn huyên tâm sự. Tôi nhớ nhà tù khi được trả tự do”.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/vi-sao-nguoi-gia-nhat-co-tinh-pham-toi-de-vao-tu-3355181/