Vì sao người Nhật vẫn làm việc miệt mài tới chết?

Làm việc quá sức dẫn tới thiệt mạng hay tự sát vì căng thẳng do công việc, được gọi chung karoshi từ lâu đã trở thành vấn nạn trong văn hóa công sở ở Nhật Bản.

Nhiều năm sau khi mất con trai, ông Itsuo Sekigawa vẫn chưa thể nguôi đau buồn và tức giận.

Một năm sau khi tốt nghiệp đại học, cậu con trai Satoshi của ông khiến cả nhà hết sức tự hào khi được nhận vào làm ở một công ty uy tín. Nhưng cũng chưa đầy một năm sau đó, Satoshi tự sát vì không chịu nổi cường độ làm việc.

"Về nhà lúc 9h tối với nó là sớm. Còn nếu chưa xong việc nó sẽ làm tới nưửa đêm", ông Itsuo tâm sự.

Một nguời Nhật ngã quỵ trong ga tàu điện ngầm. (Ảnh: INDIA TIMES)

Nhưng anh chàng kỹ sư trẻ tuổi chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp chết vì làm việc quá sức mỗi năm ở Nhật Bản. 7 năm sau cái chết của Satoshi, dù chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn với tình trạng này, nhưng nhiều lao động Nhật vẫn đang vắt kiệt sức của mình trên bàn làm việc.

Hồi đầu tháng, đất nước mặt trời mọc lại thêm một lần rúng động trước thông tin nữ phóng viên 31 tuổi Miwa Sado thiệt mạng vì suy tim sau khi làm thêm 159 giờ và chỉ nghỉ 2 ngày trong vòng 1 tháng.

Trên thực tế thì Miwa qua đời từ năm 2013, nhưng gần đây giới chức Nhật Bản mới chính thức cung cấp nguyên nhân dẫn tới cái chết của nữ phóng viên này. Cha mẹ của nữ phóng viên trẻ tuổi cáo buộc chính NHK đã tìm cách che dấu thông tin này để trốn tránh trách nhiệm liên quan tới cái chết của con gái họ.

"Thực tế là lượng thời gian làm việc của người Nhật quá sức điên rồ. Khó có thể phủ nhận được thực tế đó", Louis Carlet, một nhà hoạt động lao động của Mỹ đang làm việc tại Tokyo chia sẻ quan điểm. "Có một quy luật bất thành văn là bạn phải cống hiến hết mình cho công ty và phải làm việc như một chiến binh. Chính điều này đã khiến nhiều người vượt qua ranh giới chịu đựng của họ".

Video: Vượt biên sang biên giới lao động chui, 7 người Việt tử nạn

Ông Itsuo và các gia đình nạn nhân khác cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới cái chết của người thân họ là việc thực thi luật lao động lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ép người lao động làm việc đến kiệt sức. Chính vì vậy họ kêu gọi chính phủ cố định thời gian làm thêm trong vòng một tháng áp dụng cho tất cả các ngành nghề để những bi kịch tương tự không tiếp diễn.

"Không có công việc nào quý giá bằng mạng sống con người. Nhưng nếu các chính trị gia thông qua các điều luật làm tổn hại tới các doanh nghiệp, họ sợ sẽ không được hậu thuẫn trong các cuộc bầu cử. Vậy nên, tôi lo rằng tình hình sẽ khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều", ông Itsuo cho hay.

(Nguồn: CBS News)

Song Hy

Nguồn VTC: http://vtc.vn/vi-sao-nguoi-nhat-van-lam-viec-miet-mai-toi-chet-d358103.html