Vì sao Nguyễn Ái Quốc chọn Trung Quốc để hoạt động cách mạng năm 1924?

Có ba lý do khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn năm 1924 sang Trung Quốc hoạt động cách mạng.

Trên con đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nói đến giai đoạn Người hoạt động tại Trung Quốc. Nhân kỷ niệm 105 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư Hoàng Tranh, Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, một học giả Trung Quốc đã dành cả đời nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để lý giải tại sao Nguyễn Ái Quốc lại chọn đến Trung Quốc để hoạt động cách mạng vào thời điểm năm 1924.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu: TTXVN)

PV: Giáo sư đánh giá thế nào về ý nghĩa của sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc đến hoạt động cách mạng tại Trung Quốc?

Giáo sư Hoàng Tranh: Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Matxcova của Liên Xô trước đây đến Quảng Châu, Trung Quốc, đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, Người đã đặt chân đến Quảng Châu.

Tại đây, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác tổ chức và bồi dưỡng cán bộ, tạo cơ sở cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo điều kiện cho việc trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại đây, Bác Hồ đã tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xây dựng mối tình hữu nghị sâu đậm với nhân dân Trung Quốc trong phong trào đấu tranh cách mạng.

Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên lạc và kết nối được một số nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới, cùng thành lập đoàn thể cách mạng, tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

PV: Theo Giáo sư, tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn đến Trung Quốc hoạt động cách mạng vào năm 1924?

Giáo sư Hoàng Tranh: Có ba lý do khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn năm 1924 sang Trung Quốc hoạt động cách mạng.

Thứ nhất, tháng 6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920, năm 1923 đến Matxcova. Đây là khoảng thời gian Người đã nhận thức về Chủ nghĩa Mac.

Sau khi đến Liên Xô, Người đã tham dự Đại hội Nông dân Quốc tế và Đại hội đại biểu Quốc tế Cộng sản lần thứ 5. Đặc biệt là Đại hội đại biểu quốc tế cộng sản diễn ra vào tháng 6/1924, xác định hình thức mới đối với đường hướng và nhiệm vụ cách mạng của người cộng sản trên toàn thế giới. Điều này là sự cổ vũ hết sức lớn lao đối với Hồ Chí Minh, khiến Người nhận ra rằng chỉ có thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, triển khai cách mạng giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mới có thể giải phóng nhân dân Việt Nam ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Người cho rằng, phải nhanh chóng tìm đến một địa điểm gần Tổ quốc Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi, sớm thực hiện mục tiêu về nước lãnh đạo phong trào cách mạng.

Lý do thứ hai, trước và sau năm 1924, hình thức cách mạng Trung Quốc có nhiều thay đổi lớn, phong trào cách mạng với Quảng Châu làm trung tâm thu được nhiều thắng lợi.

Tại Quảng Châu, Tôn Trung Sơn đã thành lập Chính phủ cách mạng, mời được đoàn cố vấn do Liên Xô và Quốc tế Cộng sản cử tới. Tháng 1/1924, Quốc dân Đảng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn, đã xác định chính sách "liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông". Những người cộng sản Trung Quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quen biết như Chu Ân Lai, Lí Phú Xuân, Trương Thái Lôi cũng đều tập trung tại Quảng Châu, tạo ra cục diện Quốc - Cộng hợp tác cùng thúc đẩy cách mạng Trung Quốc.

Thời điểm này Quảng Châu được mệnh danh là "Matxcova phương Đông", thu hút rất nhiều những nhà cách mạng đến từ những quốc gia bị áp bức. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin rằng, Người ở Quảng Châu lúc này, kết hợp tham gia thực tiễn cách mạng Trung Quốc với thực hiện mục tiêu vận động cách mạng Việt Nam, nhất định sẽ có hiệu quả và vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Quảng Châu vào thời điểm này.

Lý do thứ 3, Quảng Châu khi đó là nơi tập trung một số nhà hoạt động cách mạng đến từ Việt Nam. Họ là những người đến Trung Quốc theo lời kêu gọi của bậc tiền bối - nhà cách mạng dân chủ Phan Bội Châu, tham gia tổ chức "Quang Phục Hội" ở Quảng Châu. Nhưng do khuynh hướng bảo thủ của nhà cách mạng tiền bối khiến họ thất vọng, và thế là những người thanh niên Việt Nam này liền thành lập tổ chức "Tâm tâm xã".

Tháng 6/1924, một thành viên thuộc tổ chức "Tâm tâm xã" là Phạm Hồng Thái đã tuẫn tiết tại sông Châu Giang sau khi mưu sát Tổng đốc Đông Dương bất thành. Sự kiện này đã gây ra tiếng vang lớn ở Việt Nam cũng như toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được rằng, Người phải nhanh chóng đến Quảng Châu thay đổi tổ chức này, dẫn dắt thanh niên Việt Nam theo con đường cách mạng đúng đắn là học theo chủ nghĩa Mac.

PV: Giáo sư đánh giá thế nào về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cách mạng Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản khi đó?

Giáo sư Hoàng Tranh: Giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu từ 1924 - 1927 không chỉ có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng của Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong phong trào cách mạng Trung Quốc cũng như Quốc tế Cộng sản.

Đối với cách mạng Trung Quốc, từ trước đều là mối quan hệ tương hỗ với cách mạng giai cấp vô sản quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, một mặt tiến hành làm công tác tuyên truyền và tổ chức cho phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tốt cho việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam.

Một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình trực tiếp tham gia phong trào của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Trung Quốc khi đó. Đồng thời, trong thời gian đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ tương hỗ, tương trợ, cùng đấu tranh giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua các thời kỳ.

Trên tinh thần đó, đây cũng là cơ sở để mối tình hữu nghị được phát huy trong các cuộc kháng chiến chống Nhật hay cuộc chiến tranh giải phóng của Trung Quốc, hoặc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam.

Đối với Quốc tế Cộng sản, những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu trong giai đoạn 1924 - 1927 đã làm phong phú hơn về mặt lý luận và thực tiễn của Quốc tế Cộng sản trong việc lãnh đạo cách mạng giai cấp vô sản toàn thế giới.

Trong vai trò là thành viên của Quốc tế Cộng sản khu vực phương Đông và đại diện của Hội Nông dân quốc tế, một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực tham gia hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Châu, liên lạc, tổ chức kết nối các nhà hoạt động cách mạng từ các quốc gia bị áp bức tại Quảng Châu cùng đấu tranh, đưa vào thực tiễn tôn chỉ Quốc tế Cộng sản trong việc liên kết cùng đấu tranh giai cấp vô sản trên toàn thế giới.

Mặt khác, ở Quảng Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể tìm hiểu được tình hình phong trào cách mạng Trung Quốc, tình hình hoạt động của Người và các đồng chí của Người ở Quảng Châu, tình hình của các nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, các dân tộc bị áp bức, tình hình thực tế của bản thân cũng như cách phân tích, đánh giá để báo cáo với Quốc tế Cộng sản hoặc viết thành các bài viết đăng trên tạp chí "Thông tin quốc tế" của Quốc tế Cộng sản.

Điều này sẽ gia tăng ảnh hưởng, tăng cường mối liên hệ giữa Quốc tế Cộng sản và các phong trào cách mạng ở các nước phương Đông, thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng giai cấp vô sản trên phạm vi toàn thế giới.

PV: Cảm ơn Giáo sư!./.

Hà Thắng/VOV-Trung Quốc

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-nguyen-ai-quoc-chon-trung-quoc-de-hoat-dong-cach-mang-nam-1924-517052.vov