Vì sao nhiều công trình giao thông trọng điểm ở Đông Hà chậm tiến độ?

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến việc các công trình giao thông trọng điểm ở thành phố Đông Hà như đường Lê Thánh Tông, Hoàng Diệu, tuyến đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ, đường Lê Lợi nối dài… thi công ỳ ạch, kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị và đời sống của người dân. Nguyên nhân nào khiến các công trình này chậm tiến độ?

Sau nhiều năm thi công, đường Hoàng Diệu vẫn còn một số đoạn dang dở, ảnh hưởng đến diện mạo đô thị và an toàn giao thông - Ảnh: H.N

Dự án đường Lê Thánh Tông có tổng chiều dài 5,9 km từ điểm giao với đường Hàm Nghi đến tuyến tránh phía Bắc có tổng mức đầu tư 598 tỉ đồng. Sau nhiều năm thi công, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số đoạn nhưng đến nay con đường quan trọng này vẫn ngổn ngang, chưa thể thông tuyến.

Có mặt tại điểm đầu của đường Lê Thánh Tông, đoạn giáp với Quốc lộ 9, chúng tôi nhận thấy nhà thầu đang thi công tạo mặt đường, tuy nhiên có diện tích khá lớn chưa thể triển khai do vướng một ngôi nhà 2 tầng có mặt tiền giáp với Quốc lộ 9. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, chủ ngôi nhà này cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chính quyền địa phương nhiều lần làm việc với gia đình để thỏa thuận mức bồi thường nhưng tôi chưa đồng ý vì không hợp lý. Tôi cũng không muốn dây dưa, gây khó khăn nhưng mức bồi thường phải tương xứng với giá trị của đất đai, tài sản”.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, liên quan đến công tác GPMB phục vụ thi công dự án đường Lê Thánh Tông có 214 trường hợp bị ảnh hưởng thuộc địa bàn Phường 3 và Phường 5. Do khối lượng công việc lớn nên công tác GPMB được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, triển khai trước đối với những trường hợp có nguồn gốc đất đai, hồ sơ rõ ràng…

Đến cuối tháng 7/2021, có 175/178 trường hợp được phê duyệt đã nhận tiền bồi thường, 3 trường hợp chưa nhận; 36 trường hợp chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (trong đó có 27 trường hợp đã bàn giao mặt bằng). Số còn lại vướng mắc do liên quan đến kiến nghị đơn giá bồi thường thấp, tranh chấp đất đai, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp nên phải kéo dài thời gian thực hiện công tác GPMB.

Ông Lê Vĩnh Phú, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị cho biết: “Công trình thi công chậm, kéo dài qua nhiều năm có nguyên nhân chủ yếu là do công tác GPMB gặp không ít khó khăn, nhiều hộ đòi hỏi mức bồi thường vượt quá quy định, chính sách hiện hành. Để đường Lê Thánh Tông sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, đơn vị tăng cường phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công”.

Công trình đường Hoàng Diệu có chiều dài khoảng 4,7 km chạy dọc theo sông Hiếu thuộc dự án Phát triển các đô thị dọc Hành lang sông Mê Kông (GMS) do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư đã thi công nhiều năm nhưng đến nay một số đoạn vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc công tác GPMB.

Người dân sinh sống và qua lại trên đường Hoàng Diệu rất bức xúc bởi còn một số đoạn thi công dang dở, tạo thành những “nút cổ chai” gây bụi bặm và mất an toàn giao thông. Ông Hồ Sỹ Thanh, một người dân ở phường Đông Thanh cho biết: “Cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm việc một số hộ chưa đồng thuận với chính sách bồi thường GPMB để sớm hoàn thành công trình. Không thể chỉ vì một vài hộ trong hàng trăm trường hợp bị ảnh hưởng bởi công tác GPMB thiếu thiện chí mà để công trình tạo điểm nhấn cả về giao thông và không gian kiến trúc bên bờ sông Hiếu dang dở qua nhiều năm”.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, ở thời điểm cuối tháng 7/2021, công trình đường Hoàng Diệu vẫn còn 3 hộ chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng do có nhiều kiến nghị nằm ngoài quy định của pháp luật. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà đang tiến hành các bước rà soát, tham mưu tổ chức vận động, đối thoại cũng như chuẩn bị các bước tiếp theo đối với 3 trường hợp này để sớm giải quyết dứt điểm.

Cũng do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, công trình đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ có chiều dài khoảng 6,2 km được khởi công vào tháng 12/2016 hiện vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc công tác GPMB một đoạn có chiều dài khoảng 500 m. Trong khi đó, tại một số đoạn đã thi công hoàn thành của con đường này bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Đến đầu tháng 8/2021, công trình này được thi công trở lại khi việc bồi thường, GPMP đã hoàn tất. Tuy vậy, mục tiêu hoàn thành đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ trong tháng 9 sẽ không đạt được mà dự kiến kéo dài tới cuối năm 2021 vì nhà thầu thi công gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn đất đắp nền.

Nhiều năm nay, việc công trình đường Lê Lợi nối dài đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến Quốc lộ 9D và xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư hai bên tuyến (giai đoạn 1) thi công dang dở đã trở thành nỗi bức xúc của người dân, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian, công sức giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Công trình này được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3158/QĐ-UBND, ngày 9/11/2004 với tổng mức đầu tư trên 22,3 tỉ đồng và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư tại Quyết định số 753/QĐ-UBND, ngày 20/3/2020 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 69,3 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân vì sao con đường có chiều dài khoảng 800 m được triển khai qua mười mấy năm vẫn còn dang dở, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng thành phố Đông Hà Thái Vĩnh Hải cho hay, công tác GPMB phục vụ thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn. Trong tổng số 79 trường hợp bị ảnh hưởng đến nay vẫn còn 1 trường hợp chưa thống nhất với phương án bồi thường, hỗ trợ nên không có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến về việc giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB của công trình này, UBND thành phố đã xây dựng phương án tái cấu trúc dự án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân để sớm giải quyết dứt điểm công tác GPMB, phấn đấu thi công hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng vào cuối năm 2021”, ông Thái Vĩnh Hải thông tin thêm.

Hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm ở Đông Hà, các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố cần phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt, kịp thời hơn trong công tác GPMB. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động và đối thoại để người dân hiểu, chấp hành các chính sách, pháp luật về GPMB.

Đối với những trường hợp đã áp dụng đầy đủ các chính sách về bồi thường theo quy định của pháp luật và có sự vận dụng hỗ trợ của chính quyền các cấp nhưng vẫn cố tình không hợp tác, đòi hỏi bồi thường không có căn cứ, chây ỳ, cần có phương án xử lý kịp thời, nếu cần thiết tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ thi công.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160187&title=vi-sao-nhieu-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-o-dong-ha-cham-tien-do