Vì sao nhiều nhà máy bán đường dưới giá thành nhưng 'ế vẫn hoàn ế'?

Thái Lan đang dùng phương thức là ổn định giá trong nước nhưng lại hạ thấp giá xuất khẩu đường, đồng thời, đi theo lối tiểu ngạch và mua bán lậu khiến giá đường đối phương (Việt Nam và các nước sản xuất đường) bị giảm xuống.

Hiểu rõ chiến thuật kinh doanh quốc tế để không sa bẫy

Thời gian qua, người nông dân trồng mía cũng như các chủ nhà máy đường "khóc ròng" do đường tồn kho tăng cao và giá trong nước giảm mạnh gần 5.000 đồng/kg đường.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhấn mạnh với báo giới: "Lượng đường tồn kho từ niên vụ trước chưa tiêu thụ hết đã có thêm đường mới sản xuất ra. Ngành mía đường đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy chấp nhận bán đường dưới giá thành song "ế vẫn hoàn ế". Tình cảnh đó khiến nhiều nhà máy phải tạm ngừng sản xuất."

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TTC cho biết, chúng ta cần hiểu rõ luật chơi của kinh doanh quốc tế. Có thể thấy rõ, Thái Lan đang dùng phương thức là ổn định giá trong nước nhưng lại hạ thấp giá xuất khẩu đường, đồng thời, đi theo lối tiểu ngạch và mua bán lậu khiến giá đường đối phương (Việt Nam và các nước sản xuất đường) bị giảm xuống.

Ông Dương cho rằng giá đường trong nước thời điểm hiện tại không cao so với các nước khu vực.

 Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội mía đường Việt Nam trả lời báo giới. Ảnh: Mỹ Dung.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội mía đường Việt Nam trả lời báo giới. Ảnh: Mỹ Dung.

Trong khi đó, đường lậu vào Việt Nam khá nhiều, giá đường lậu chỉ khoảng 11.500 đồng/kg.

"Thị trường đường lậu xâm nhập vào nội địa làm cho chúng ta không kiểm soát được. Như vậy là không minh bạch với nông dân, người tiêu dùng và nhà máy", ông Dương nói .

Mức tiêu thụ đường bình quân trên đầu người Việt Nam so với thế giới là thấp. Mỹ tiêu thụ bình quân trên đầu người là 37kg đường/người, Thái Lan là 43kg đường/người, Indonesia là 35 kg đường/người. Trong khi đó hiện tại, Việt Nam là 17 kg đường/người.

Cách đây 20 năm còn số này ở Việt Nam chỉ có 13 kg/người. Lý do là Việt Nam đang ở giai đoạn dân số trẻ, nên tiêu thụ bình quân trên đầu người của mình thấp so với các nước. Mặc dù vậy, xu hướng ngày càng tăng cao do giới trẻ ngày càng ăn KFC, Pizza và đồ uống nước ngọt nhiều, nhưng so với các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật chúng ta còn thấp.

Trả lời báo chí về loại đường lỏng đang được nhập khẩu với mức thuế 0%, ông Dương cho biết: "Loại đường này nhập khẩu từ 2 nước chính là Trung Quốc và Hàn Quốc, loại đường này được làm từ bắp biến đổi gen. Mà bắp biến đổi gen thì có những tác hại cho cơ thể điều này khoa học và báo chí cũng đã đưa tin. Tuy nhiên, hiện nay, lại được nhập khẩu thuế 0%."

Ông Phạm Hồng Dương cũng đặt câu hỏi, hiện đối với đường lỏng Thái Lan áp mức thuế 20%, còn Braxin thậm chí cấm không có nhập, tại sao Việt Nam lại để vào 0%. Điều này vừa gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đồng thời khiến thị trường trong nước bị ảnh hưởng.

"Về mặt cơ chế hóa, Việt Nam và Thái Lan giống nhau, chi phí chăm sóc họ cũng cao hơn mình, chi phí nhân công cũng cao hơn. Như vậy, ngành mía đường có thể hạ giá thành được như Thái Lan hay không?Xin thưa rằng được. Nhưng tại sao mình chưa cạnh tranh được lý do tại vì nội tại do mình đi chậm hơn về công nghệ dẫn tới công suất thấp hơn.

Về chính sách hỗ trợ, ngành đường Thái Lan có luật mía đường khiến sau 32 năm giá đường họ vẫn cố định. Cứ 1 tấn đường bán được họ sẽ đưa vào quỹ mía đường 1 bạc, các nhà máy cũng vậy, 1 tấn bán được họ trả lại 1 bạc. Còn ở Việt Nam vẫn chưa làm được", ông Dương nhận định.

Cạnh tranh công bằng với các nước, ngành mía đường cần gì?

Tại Thái Lan, đầu tư công nghệ mới được miễn thuế lên 300%, với vay lãi suất rất thấp, trong khi Việt Nam ta chưa làm được cái này. Điều này lý giải vì sao 32 năm từ 3,5 triệu tấn đường/năm, Thái Lan đã tăng lên 14 triệu tấn/năm.

Vì vậy, tại Việt Nam, sự giúp sức của chính phủ rất quan trọng, cộng với việc nhà máy phải cải tiến nâng công suất tối ưu chi phí, cần chống buôn lậu, chống đường lỏng, và công bằng đối xử với đường nhập khẩu giống như hàng nội địa.

Cần cải tiến năng suất đường, làm cách nào phân phối đường tốt hơn, cắt giảm chi phí trung gian trong quá trình phân phối

"Thái Lan họ chia làm 3 hạn ngạch, hạn ngạch A là tiêu thụ nội địa, Thái Lan họ tiêu thụ 3,5 triệu tấn và trong khi sản xuất 14,5 triệu tấn. Vậy thì họ bán trong nước với hạn ngạch B là 1,5 triệu tấn, lượng này dùng để tham khảo, tính giá tài trợ cho nông dân, lượng đường thô họ dùng để họ luyện lại. Còn hạn ngạch C thì trôi nổi theo giá quốc tế.

Vậy có thể nói Thái Lan đang dùng chính sách là lấy giá rẻ đè những quốc gia khác, sau khi quốc gia khác chết xong thì bán với giá cao hơn, đó là luật cạnh tranh của thị trường thế giới. Vì thế, nếu chúng ta không tỉnh táo để mất thị trường trong nước thì 5 năm nữa sẽ không có giá 11.000 đồng/kg đường nữa", ông Dương nói.

Việt Nam chưa thể cạnh tranh công bằng với nhiều nước khác có nhiều lý do, trong đó, việc chủ quan trong điều tiết cung cầu, đầu tư hàm lượng chất xám trong khoa học công nghệ chưa cao, cộng với tư duy tiểu nông chủ yếu canh tác trên những cánh đồng nhỏ, tự làm không liên kết với ai là rào cản lớn.

Vậy, cần cải tiến năng suất đường, làm cách nào phân phối đường tốt hơn, cắt giảm chi phí trung gian trong quá trình phân phối. Việc thứ 2 là đề nghị giúp sức từ chính phủ đặc biệt là những hoạch định trong ngành mía đường. Nâng hiệu quả nâng công suất giảm chi phí sản xuất nâng cao giá trị gia tăng cho ngành đường, đặc biệt sản xuất đường oganic, đường hữu cơ không có hóa chất phục vụ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Để bảo vệ thị trường trong nước, doanh nghiệp trong nước thuộc Hiệp hội mía đường cũng ký hợp tác với các công ty nước giải khát, điều này giúp ổn định được nông nghiệp trồng mía vì cây mía không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây giữ đất, giữ làng, nhiều nông dân làm giàu từ cây mía. Cần thống nhất các nhà máy thành viên Hiệp hội mía đường Việt Nam, cũng như 4 nhà cấu thành nên chuỗi giá trị ngành đường, là nhà nông dân, nhà máy, nhà khoa học và Nhà nước.

>>> Đọc thêm: Vừa mua xong công ty mía đường, Vinamilk tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp chế biến dừa Bến Tre

Mỹ Dung

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-nhieu-nha-may-ban-duong-duoi-gia-thanh-nhung-e-van-hoan-e-d401436.html