Vì sao nhiều nhà máy ô nhiễm chậm dời khỏi nội đô?

PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ ra lý do khiến các nhà máy ô nhiễm chậm di dời khỏi nội đô Hà Nội, trong đó quan trọng nhất là yếu tố lợi ích.

Khó xử lý vì thiếu chủ thể rõ ràng

Hàng chục kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy kho nhà máy Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến nhiều người giật mình nhìn lại một loạt nhà máy như: Công ty CP Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá thăng Long, Công ty CP Xà phòng Hà Nội ... vẫn kiên định nằm trong khu dân cư dù bị liệt vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của cư dân khu vực xung quanh và dù các quyết định di dời đã có từ mười mấy năm trước.

Lý giải nguyên nhân khiến các nhà máy gây ô nhiễm quyết bám trụ nội đô dù đã có quyết định di dời, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng có rất nhiều lý do, trong đó có vấn đề lợi ích.

Theo vị chuyên gia, những nhà máy chậm di dời thường là của DNNN, hoặc nếu có cổ phần thì nhà nước vẫn chiếm đa số. Bởi vậy mà việc xử lý các nhà máy này có phần khó khăn.

Sau vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, người dân thấp thỏm nỗi lo nhiễm độc thủy ngân. Ảnh: CAND

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam được xây dựng trong thời kỳ kém phát triển, môi trường chưa được coi là một yếu tố phát triển bền vững, chưa được hạch toán trong hoạt động kinh tế, thậm chí người kinh doanh càng tránh vấn đề môi trường được bao nhiêu thì họ càng có lợi bấy nhiêu.

"Đối với một nền kinh tế nhà nước, kinh tế tự nhiên, tính hiệu quả chưa trở thành một yêu cầu cấp bách, nội tại của sự phát triển và việc làm thế nào, ứng xử ra sao cũng không có căn cứ để xác định. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế thị trường hiện đại, tất cả các hoạt động đều được tính toán, hạch toán thành tiền một cách rành mạch. Đó là doanh nghiệp của những chủ thể rất rõ ràng, nếu doanh nghiệp vi phạm các lợi ích cốt lõi của nền kinh tế, lập tức sẽ có các chế tài xử lý ngay.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nền kinh tế hình thành trong điều kiện chưa có quy luật rõ nét. Đến bây giờ phải xử lý nó và xử lý thế nào đòi hỏi phải có kinh phí cho việc xử lý ấy. Như vậy, nó động chạm đến lợi ích của những người thay mặt nhà nước làm chủ doanh nghiệp. Khi đứng ra thay mặt như vậy, việc "làm chủ" chỉ là hình thức nhưng tiền hái được là tiền thật. Thế nên, những người đứng ra đại diện, thay mặt kia cứ cù nhây.

Bởi chủ thể không rành mạch, nền kinh tế lại không có các chế tài xử lý nghiêm những vấn đề nêu trên như một nền kinh tế thị trường nên các nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm cứ bám trụ nội đô, không chịu di dời", PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích một cách tổng quát.

Cũng theo vị chuyên gia, khu nội thành mà nhiều nhà máy, trường học, bệnh viện đang hiện diện vốn ngày xưa là ngoại thành, điển hình là khu Cao-Xà-Lá. Việc di dời là yêu cầu cần thiết nhưng xử lý thế nào lại rất khó bởi tư nhân không phải chủ sở hữu của những nhà máy đó, người thay mặt nhà nước quản lý "có lợi thì làm, không có lợi thì mặc kệ".

Đáng lưu ý, những nơi xưa kia vốn là ngoại thành, nay thành nội thành đồng nghĩa giá trị đất nơi đó gia tăng, trở thành đất vàng.

"Khi yêu cầu di dời, các nhà máy ô nhiễm được bố trí đất khác, nhưng địa thế nơi đó không gia tăng bằng nơi đang ở.

Khu Cao-Xà-Lá là một ví dụ, trước mặt các nhà máy đó là mặt đường rất lớn, nối các khu kinh tế, các dự án bất động sản phát triển. Đó là bây giờ, còn ngày xưa nơi đó đâu có gì. Nhưng khi thay đổi như vậy, người ta lại chưa quan niệm căn bản một thành phố hiện đại như thế nào, các nhà kiến trúc rơi vào thế bí, không biết quy hoạch làm sao, cho nên chưa có một sắc lệnh về quy hoạch, phải di dời, bố trí có tính chất cách mạng, còn giờ cứ được đâu hay đấy. Người ta cố bám lấy cái người ta đã có, ngày xưa không là gì nhưng giờ là vàng là bạc nên không thể di dời", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Trong bối cảnh đô thị hóa khiến đất hóa vàng, PGS.TS Lê Cao Đoàn lưu ý, chính doanh nghiệp tư nhân, những người giàu có, có tiền trong tay nhìn nhận ra được giá trị chuyển đổi rất nhanh đó và họ là người đi tắt đón đầu để kiếm lợi cho mình.

"Đó là sự khôn lỏi và sự khôn lỏi ấy đem lại cái lợi rất lớn cho những cá nhân, còn nhà nước và toàn dân thì chẳng được gì. Lẽ ra những cơ quan quản lý nhà nước, với năng lực và bản lĩnh vủa mình, phải biết mình là chủ thể của cái gì có giá trị, dự báo được sự chuyển đổi của những giá trị đó để nó không rơi vào tay một số tư nhân.

Một ông chủ bao giờ cũng có trách nhiệm về chủ thể của mình, với tài sản của mình, khi tài sản ấy có đời sống kinh tế hoàn toàn mới, giá trị hoàn toàn mới, gấp hàng trăm, hàng nghìn lần thì phải hạch toán, kiểm toán lại xem giá trị ấy của đất nước, toàn dân như thế nào", vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Chờ chuyển đổi để làm bất động sản?

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, những vùng đất đặt các nhà máy ô nhiễm xưa kia hoang vu, chủ yếu là đồng ruộng, sau mấy chục năm đô thị phát triển, những vùng đó đều trở thành nội đô, dân cư đông đúc, đất nơi đó trở thành đất vàng.

Tuy nhiên, bám trụ đất vàng không chỉ có DNNN hay cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn chiếm đa số, nhiều doanh nghiệp chậm trễ di dời khỏi nội đô là doanh nghiệp đã cổ phần hóa 100%. Lý do họ ở lại, theo ông Nam, có thể xuất phát từ bài tính của doanh nghiệp: chờ chuyển đổi để làm bất động sản trong khi vẫn được đất để di dời.

Trường hợp của Công ty Rạng Đông có thể rơi vào trường hợp này. Theo quy hoạch phân khu đô thị của UBND TP Hà Nội vào năm 2015, khu đất của Công ty Rạng Đông tại phường Hạ Đình không thể hiện được xây chung cư, văn phòng.

Thế nhưng, tháng 5/2018, Chứng khoán BIDV phát đi một báo cáo cho biết, Công ty Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền chuyển đổi mục đích khu đất này.

"Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra bởi khu đất đó trước đây nằm ở rìa khu dân cư, giờ nó là vùng mới phát triển của TP. Trong khi đó, quy hoạch ở ta vẫn mang tính chung chung, quy hoạch một đàng, xây dựng một nẻo. Rạng Đông đã là công ty cổ phần, nếu công ty được cấp sổ đỏ thì đất đó là của họ, quyền sử dụng là của họ,.

Mọi hoạt động kinh tế đều vì lợi ích, chính vì thế, luật pháp của nhà nước phải điều tiết những lợi ích này, thế nào là lợi ích hợp pháp, hợp lý, không thể để ai cũng vì lợi ích của mình mà làm nền kinh tế hỗn loạn", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Đánh giá một cách tổng quát, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, việc các nhà máy chậm trễ di dời xuất phát từ hai phía. Thứ nhất, phía quản lý gồm các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đã không quyết liệt, rõ ràng, quản lý lỏng lẻo. Lẽ ra trong chỉ đạo di dời phải có thời hạn, phương án di dời rõ ràng; tính toán đầy đủ chi phí để doanh nghiệp di dời... Trong khi chủ trương chung chung, thiếu sát sao, cụ thể thì việc thực hiện cũng tùy mỗi nhà máy.

Thứ hai, phía doanh nghiệp chỉ nghĩ trước mắt, muốn giữ đất nội đô, cán bộ, người lao động đi lại thuận tiện... mà không nghĩ nếu xảy ra sự cố như vụ cháy ở Công ty Rạng Đông thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.

"Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn mang tư duy nhiệm kỳ, cứ chây ì, giữ cho đến lúc mình về hưu, còn việc tìm địa điểm mới, đầu tư công nghệ mới thế nào, tuyển mới công nhân ra sao... thì để cho người kế nhiệm lên lo", ông Nam cho biết.

Chính bởi chính sách chung chung, thiếu tính toán lợi ích các bên (Nhà nước, nhà máy, dân cư, thành phố...) một cách đầy đủ cũng như phải có một chương trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng để làm, nên cuối cùng nước chảy bèo trôi, những nhà máy ô nhiễm cần di dời vẫn cứ cứ chây ì, bám đất nội đô.

PGS.TS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh, câu chuyện nhà máy ô nhiễm không chịu di dời khỏi nội đô, hay câu chuyện đất vàng thất thoát sẽ không thể giải quyết được tận gốc rễ nếu không xác định được chủ thể rõ ràng.

"Luật pháp Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, tất cả tài sản đều mang hình thái hàng hóa và quan hệ của nó là trao đổi, chúng ta phải đi theo cái chuẩn của sự phát triển", ông nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vi-sao-nhieu-nha-may-o-nhiem-cham-doi-khoi-noi-do-3387230/