Vì sao nhiều trường “lách luật”?

Tiếng trống khai giảng năm học mới chưa vang lên nhưng tiếng kêu về các khoản thu đầu năm học đã xuất hiện. Và chắc chắn, sau ngày họp phụ huynh, thường được tổ chức tuần thứ 2 hoặc 3 của tháng 9, câu chuyện sẽ còn "nóng" hơn.

Ảnh: Nguyệt Ánh (HNM) - Không được thu những khoản ngoài quy định, không được thu gộp vào đầu năm học, nơi nào vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm... là những chỉ đạo kiên quyết của Sở GD-ĐT Hà Nội. Vậy tại sao vẫn có trường "lách luật"? Hợp lý, công khai và minh bạch Việc thu, chi trong các trường phổ thông hiện vẫn thực hiện chủ yếu theo Quyết định 73/2000/QĐ-UB, được ban hành từ năm 2000, có một số điều chỉnh vào năm 2002. Với giáo dục mầm non và phổ thông, khung học phí được quy định cho từng bậc học, cao nhất chỉ 70.000 đồng/tháng. Mức học phí này quá thấp, trong khi đó gần 10 năm qua, mức giá tiêu dùng đã tăng 1,84 lần, lương tối thiểu đã 5 lần được điều chỉnh, thu nhập bình quân của một người dân cũng tăng 2,47 lần. Như vậy, giá trị thực tế của học phí hiện nay so với năm 2000 chỉ còn 54%, tức là đã "mất giá" 46%, nhưng các trường phải dùng nguồn này để trả lương cho giáo viên sau mỗi lần tăng lương tối thiểu, nên các cơ sở giáo dục càng thiếu kinh phí cho các hoạt động giảng dạy, học tập. Chính vì thế, vừa qua, Quốc hội đã ra nghị quyết về đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo, trong đó có việc điều chỉnh học phí, theo lộ trình sẽ bắt đầu từ năm học 2010-2011. Trong tình hình đó, để bảo đảm các hoạt động của mình, các trường phải huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh. Có nhiều khoản thu là hợp lý vì nó phục vụ cho chính học sinh, nhưng lại không có trong quy định nên trở thành không hợp pháp. Đơn cử việc học ngoại ngữ ở bậc tiểu học. Hiện nay, nhu cầu cho con học tiếng Anh của phụ huynh khá lớn và trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ GD-ĐT thì "khuyến khích các chương trình tiếng Anh tăng cường và làm quen với tiếng Anh ở những nơi có điều kiện". Ở Hà Nội, có khá nhiều trung tâm dạy tiếng Anh muốn mở rộng thị trường vào khu vực trường học. Vì thế, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải lựa chọn những trung tâm có uy tín là Language Link và Phonics; hướng dẫn để các trường thực hiện, bảo đảm chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như không gây quá tải cho học sinh. Tuy nhiên, để triển khai thì phải thu tiền và Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các trung tâm thỏa thuận về kinh phí học với phụ huynh trên tinh thần học phí ưu đãi, thu đủ chi. Theo trung tâm Language Link, mức học phí áp dụng cho một số trường tiểu học trên địa bàn 250 đô la/năm học với 2 tiết/tuần chỉ bằng 70% học phí khi học sinh đến trung tâm học. Trên thực tế, có trường phải thu thêm tiền xây dựng cơ sở vật chất ban đầu để bảo đảm cho chất lượng giảng dạy và học tập cùng với giáo viên nước ngoài nhưng theo khá nhiều phụ huynh kể cả thêm mức đóng góp ấy thì vẫn rẻ hơn học ở trung tâm, mà không mất thời gian đưa đón, trẻ con đỡ vất vả hơn và được giáo viên quản lý chặt chẽ việc học tập. Mức đóng góp này không phải là nhỏ nhưng nó vẫn được ủng hộ khi phụ huynh thấy hợp lý dù không hợp pháp. Ngoài ra, có rất nhiều khoản thu thuộc loại này như tiền ăn, tiền trông trưa, trông xe, nước uống... Khó mà thống kê hết những khoản thu thuộc loại này song có thể nói rằng, khi nhà trường thuyết minh được rằng đây là việc cần làm cho học sinh và công khai, minh bạch trong thu chi thì dù không hợp pháp nó vẫn được coi là hợp Vẫn còn lạm thu vì chưa nghiêm? Cũng không thể thống kê nhưng có thể khẳng định ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong xã hội. Núp "bóng" chủ trương xã hội hóa giáo dục hay mang tinh thần "tự nguyện", một số nhà trường đã đề ra những khoản thu không thể lý giải về tính hợp lý. Việc Trường Tiểu học thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên thu đến 23 khoản, trong đó có những "sáng kiến" như tiền hao mòn đồ dùng học tập mà dư luận vừa nêu là một trong những ví dụ điển hình. Theo bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT) Hà Nội thì hiện nay, nguồn kinh phí trong định mức của một trường được ngân sách bảo đảm cho các trường có 20% để chi thường xuyên, nơi nào phải chi hơn 80% cho việc trả lương sẽ được cấp bù; định mức chi trên một học sinh cũng đã áp dụng chung cho toàn thành phố và mức này hiện cao nhất trên cả nước. Bà Diệp cũng cho biết, khi xây dựng định mức chi cho học sinh, các ngành chức năng cũng đã tính toán để các nhà trường có kinh phí cho các hoạt động cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay cũng có hiện tượng, giám hiệu các trường nặng về chi mua sắm và nhẹ về chi cho các hoạt động khác, trong khi việc mua sắm, sửa chữa hoàn toàn có thể xây dựng đề án hoặc kế hoạch trình cấp có thẩm quyền để xin kinh phí bổ sung. Vì thế, "không thể chấp nhận được việc có trường thu tiền của phụ huynh để sửa chữa nhỏ. Càng không thể chấp nhận việc các trường đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi khi có ý kiến về các khoản thu ngoài quy định", bà Diệp bày tỏ quan điểm. Việc thanh, kiểm tra thu chi của các trường đầu năm học mới đã được quyết định là một trong những nội dung công tác của Sở GD-ĐT trong tháng 9. Với những đơn vị thu sai quy định những khoản không hợp lý, Sở sẽ có biện pháp xử lý nghiêm để thực hiện tốt "3 công khai, 4 kiểm tra" (trong đó có công khai thu chi tài chính và 4 nội dung cần kiểm tra về tài chính) và trên hết giữ nghiêm kỷ cương của ngành. Việc thanh, kiểm tra thu chi sẽ được tiến hành thường xuyên - lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định. Vân Vũ Các khoản thu của các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội cũ Học phí, chi phí bán trú, các khoản thu hộ để chi (tiền ăn, học phẩm, mua đồ dùng cá nhân) đối với mầm non; hỗ trợ các hoạt động phục vụ học sinh, học 2 buổi/ngày đối với tiểu học. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Tây cũ, Lương Sơn, Mê Linh thu theo quy định của tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc trước đây. Không thu khoản đóng góp xây dựng trường trên toàn địa bàn thành phố. Đối với những khoản thu hộ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu mà thông qua Hội cha mẹ học sinh và bộ phận tài vụ của trường. Quỹ hội cha mẹ học sinh phải do hội cha mẹ học sinh thu, quỹ đoàn đội do các tổ chức đoàn, hội thu. 3 công khai, thu chi tài chính: Mức thu học phí và các khoản thu khác; các khoản chi như lương, bồi dưỡng chuyên môn, hội họp hội thảo, tham quan học tập, mức thu nhập hằng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý, đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm, chính sách miễn giảm, kết quả kiểm toán (nếu có). 4 kiểm tra gồm: Việc phân bổ và sử dụng ngân sách; thu và sử dụng học phí; việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện; chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/47/218954/