Vì sao phải sợ?

Làm vì cái chung, không tư lợi mà cán bộ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, để dân khổ, là vấn đề quá lớn cho phát triển.

Trong cuộc họp cộng tác viên trước ngày nghỉ lễ 30/4 mới đây do trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, không ít các cựu lãnh đạo đã bày tỏ tâm tư về những khó khăn và công việc hướng tới của Thành phố. Ai cũng đầy tâm sự nặng lòng về những trì trệ, bừa bộn của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi là đầu tầu kinh tế của cả nước, nơi thử nghiệm những cải cách từ dưới lên và nơi đang giảm tốc tăng trưởng kỷ lục sau nhiều năm.

Trong số các ý kiến đầy chân thành, tâm huyết có góp ý rất đáng chú ý của GS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, người có nhiều năm cống hiến cho sự phát triển của Thành phố.

Ông Biên không nêu lại hoàn cảnh khó khăn và những lý do của nó (ai cũng biết rồi, tỉnh nào cũng khó trong đại dịch, sau đại dịch) mà ông phát biểu ôn lại chuyện xưa của Thành phố. Nào bao vây, cấm vận; nào sai lầm cải tạo công thương; nào ngăn sông cấm chợ; nào chuyện toàn dân ăn bo bo trong khi lúa chín rục trên đồng…

Thành phố Hồ Chí Minh giờ đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ách tắc. Ảnh: Hoàng Hà

Tôi ngồi ở dưới nên biết mọi người xì xào, nhắc lại những chuyện đầy khó khăn đã trải qua lúc đó khi nghe ông Biên ôn lại chuyện cũ. Ai được mấy mét vải, ít tem phiếu cũng phải bán đi mà đong gạo cầm hơi.

Có người còn nhại lại câu trong truyện Kiều ”Bắt phanh trần phải phanh trần, cho may ô mới được phần may ô”. Vậy mà rồi Thành phố không những thoát ra được hoàn cảnh ngặt nghèo đó mà còn đóng góp vào đường lối Đổi mới của cả nước.

Mà hồi ấy, không thấy ai…sợ cả. Bà Ba Thi tìm cách lách quy định để mang gạo với giá thị trường về cứu đói cho dân, còn ông Võ Văn Kiệt thì động viên “Chị cứ làm, nếu bị tù thì tôi đi đưa cơm”.

Lúc đó, những cán bộ có tinh thần đổi mới bị kiểm tra, thậm chí có người còn bị quy kết là “sặc mùi tư bản”, là “chệch hướng” rất nặng nề.

Vậy mà sao hồi đó không thấy ai sợ nhỉ?

Tôi chợt nhớ lại Giải nhất trong cuộc thi viết bút ký gần đây do Hội nhà văn Thành phố và Quận 5 tổ chức viết về một tấm gương “xé rào”. Ông Ba Toàn (Lâm Tư Quang ), nguyên là giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp Thực phẩm Cầu Tre (ông vừa mới mất rồi). Hồi đó, do thiếu vật tư, đơn hàng, thị trường nên ông móc nối với tư sản bên ngoài để duy trì hoạt động của nhà máy đã chìm sâu vào đình trệ.

Khi có đoàn trung ương vào kiểm tra, chuẩn bị quy kết là trái với chủ trương, đường lối thì các lãnh đạo Thành phố như ông Nguyễn Văn Linh, ông Mai Chí Thọ chạy cả đêm xuống tận nhà máy tìm cách báo cáo với đoàn kiểm tra để bảo vệ ông Ba Toàn.

Có một thời khó khăn cùng kiệt nhưng sao mọi người đồng lòng bảo vệ nhau vượt qua khó khăn đến thế!

Thành phố giờ đây cũng đầy khó khăn, ách tắc. Trong dịch thì tang thương như vậy, sau dịch thì đình đốn như vậy; tăng trưởng kể từ Đổi mới chưa bao giờ thấp như hiện nay.

Hôm đó, ông Phan Xuân Biên khẳng định, niềm hy vọng nên đặt vào sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở. Mà dám làm là vì sự phát triển chung thiết thực, không thể ngồi suông nhìn nhân dân khốn khổ. Tinh thần đó chính là sức mạnh của Thành phố này.

Bên dưới, mọi người ngồi nghe, chụm đầu bàn tán bảo ông nói đúng. Nhưng cũng có người buột miệng nói nhỏ: “Xưa khác, nay khác, nay phức tạp hơn. Tôi mà làm giám đốc CDC thì cũng…vào lò rồi. Dịch bệnh ập đến, cơ chế rắc rối nhưng phải quyết, phải ký, phải làm ngay. Mà làm xong thì cái phong bao biếu xén - đã trở thành thông lệ - nó đến làm mình thấy… bình thường, dễ vi phạm”.

Nhưng nói gì thì nói, cái “văn hóa phong bao” đấy thật khó biện minh!

Và giờ thì nỗi sợ và cơ chế, chính sách rắc rối khiến nhiều người chùn bước không dám làm. Họ ngồi im, thủ thế. Từ đó mà làm cả Thành phố án binh. Từ đó mới sinh ra đủ thứ kỳ quặc xưa nay chưa có bao giờ: bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh tự chữa trong khi tiền công quỹ đầy trong kho. Mà lĩnh vực nào của Thành phố cũng đình trệ.

Nhưng nói cho cùng, xưa bà Ba Thi, ông Ba Toàn và nhiều người khác nữa không sợ, dám làm vì họ không tính lợi ích riêng tư; họ đặt lợi ích nhân dân lên trên tất cả.

Họ không toan tính cho cá nhân quá nhiều, họ đặt số phận của mình vào với số phận của nhân dân khốn khó. Khi đó, họ tạo thành niềm tin của tập thể, tạo nên sức mạnh bứt phá ngoạn mục.

Tinh thần đó của những lãnh đạo, công chức của chính Thành phố chứ có phải đâu xa lạ. Nó giúp Thành phố trỗi dậy với đầy sinh lực, nó giúp tạo ra những đột phá của Đổi mới, của cả đất nước.

Những bài học đó ai cũng biết. Nó mới đây thôi chứ có phải xa xôi gì!

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-phai-so-2139485.html