Vì sao Phần Lan 'thân' phát xít Đức vẫn không bị Liên Xô tấn công?

Trong Chiến tranh thế giới 2, dù không phải đồng minh nhưng Phần Lan hợp tác với phát xít Đức trong cuộc chiến chống lại Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi đánh bại phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ, Liên Xô không tấn công, đánh chiếm Phần Lan.

Theo các chuyên gia, Phần Lan chưa bao giờ ký Hiệp ước Ba bên (giữa Đức, Italy và Nhật Bản) và không chính thức thuộc về phe Trục (phe phát xít). Thế nhưng, Phần Lan có sự hợp tác với phát xít Đức trong Thế chiến 2.

Cụ thể, Phần Lan phát động một cuộc chiến tranh riêng chống lại Liên Xô nhằm lấy lại vùng lãnh thổ đã mất sau Chiến tranh Mùa Đông. Theo đó, binh sĩ Phần Lan tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô hơn cả vùng lãnh thổ trước khi xảy ra tranh chấp.

Vào tháng 6/1941, khi quân phát xít Đức thực hiện chiến dịch Barbarossa tấn công xâm lược Liên Xô, Phần Lan cho phép Không quân của Đức quốc xã sử dụng một số sân bay của nước này.

Nhờ đó, máy bay ném bom của phát xít Đức cất cánh tại các sân bay của Phần Lan và oanh tạc các địa điểm của Liên Xô.

Hành động này của Phần Lan vi phạm điều khoản của hiệp ước Moscow 1940 (về chấm dứt Chiến tranh Mùa Đông).

Do vậy, trong cuộc chiến chống quân phát xít Đức xâm lược, Liên Xô đã điều nhiều máy bay chiến đấu dội bom xuống thành phố Helsinki của Phần Lan.

Đến giữa năm 1944, sau khi đánh bại phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ, Hồng quân Liên Xô cũng đẩy lui lực lượng Phần Lan khỏi lãnh thổ Karelia.

Trong một khoảng thời gian, giới chức Liên Xô cân nhắc xem có nên đưa quân vào lãnh thổ Phần Lan hay không. Sau khi cân nhắc kỹ tình hình, Liên Xô quyết định không tấn công Phần Lan và hai bên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 9/1944.

Lý do Liên Xô không tấn công Phần Lan được cho là vì giới chức Moscow muốn nước này trở thành quốc gia trung lập trong bối cảnh quân đồng minh đang cố gắng tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.

Sau khi Chiến tranh thế giới 2 kết thúc, Liên Xô và Phần Lan vẫn giữ mối quan hệ ngoại giao thân thiện và là những đối tác kinh tế thân thiết.

Video: Châu Á kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới 2 (nguồn: VTC14)

Tâm Anh (theo Russia Beyond)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-phan-lan-than-phat-xit-duc-van-khong-bi-lien-xo-tan-cong-1313187.html