Vì sao phim của Campuchia được đề cử Oscar?

The Missing Picture là niềm tự hào to lớn của người dân Campuchia.

The Missing Picture

Là một trong số 5 phim tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar năm nay, The Missing Picture được xây dựng dựa trên chính những trải nghiệm và ký ức của đạo diễn Rithy Panh.

Không chỉ gây bất ngờ với cách thể hiện độc đáo - dùng hình nhân bằng gốm làm nhân vật và sử dụng băng tư liệu - The Missing Picture còn lay động lòng người bởi nó tái hiện một trong những quãng lịch sử đẫm nước mắt của người dân Campuchia: thập kỷ 70 dưới thời thống trị của Khmer Đỏ.

Mảng ký ức vỡ vụn

Trước khi đến với giải thưởng Oscar, The Missing Picture đã giành được giải Un Certain Regard (giải thưởng dành cho những tài năng làm phim trẻ và những tác phẩm mang tính đột phá) tại Liên hoan phim Cannnes 2013 được tổ chức tại Pháp. Bản thân đạo diễn Rithy Panh cũng nhận được giải Nhà làm phim châu Á của năm tại Liên hoan phim Busan 2013 tổ chức tại Hàn Quốc.

Sinh năm 1964 tại Phnompenh, năm 1975, Rithy Panh và gia đình bị bắt vào trại cải tạo của Khmer Đỏ và bắt đầu nếm trải mọi đau khổ cùng cực của nơi vẫn được nhắc đến như địa ngục trần gian này. Lần lượt từng người một, cha mẹ, anh chị em của ông đều chết vì đói hoặc kiệt sức. Bản thân Rithy Panh may mắn trốn thoát qua Thái Lan vào năm 1979 và đến Pháp sau đó một năm.

Ký ức về một tuổi thơ bi đát vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của Rithy Panh. Năm 2003, ông từng thực hiện một bộ phim tài liệu khác về vấn đề diệt chủng ở Campuchia có tên S-21: The Khmer Rouge Killing Machinekhắc họa nhà tù Toul Sleng nổi tiếng của Khmer Đỏ và cuộc tái ngộ của những cựu tù nhân.

Lòng tự hào dân tộc

Bộ phim tài liệu The Missing Picture đi theo mạch kể chuyện của chính vị đạo diễn với sự đan xen giữa những câu chuyện thuộc về lịch sử dân tộc và những câu chuyện của đời sống cá nhân trong thời kỳ Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia. Lời kể được viết bởi chính đạo diễn Panh còn giọng kể là giọng nói của một nhà toán học người Pháp có tên Randal Douc.

Một trong những mục đích quan trọng của đạo diễn Panh khi làm The Missing Picture chính là thu hút sự quan tâm của người trẻ ở Campuchia đối với những câu chuyện lịch sử, khơi dậy cảm giác tự hào trong họ. Đây vốn là một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm trong hệ thống giáo dục ở Campuchia.

The Missing Picture đã thực hiện được mục tiêu ban đầu đó. Đối với Rithy Panh, anh muốn những nghệ sĩ trẻ ở Campuchia hiểu rằng luôn có những con đường rộng mở, những hướng đi mới để nghệ sĩ trẻ có thể đưa những câu chuyện lịch sử quay trở lại đời sống hiện đại bằng chính cách nhìn nhận, đánh giá mới mẻ của bản thân họ.

Tin tức về đề cử mà The Missing Picture nhận được tại giải Oscar đã khiến tên tuổi vị đạo diễn xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo Campuchia trong suốt thời gian qua. Giờ đây, khi thời gian công bố các đề cử thắng giải tại Oscar đang đến gần, cả giới điện ảnh Campuchia như nín thở chờ đợi cái tên sẽ được xướng lên ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Đối với riêng đạo diễn Rithy Panh, thành công ban đầu mà anh đạt được ngày hôm nay đã đến sau một quá trình rất dài với những năm tháng tuổi thơ khổ sở, bị ám ảnh bởi những mất mát quá lớn, khi đến nước Pháp, Panh cũng liên tục phải cố gắng để vượt lên hoàn cảnh.

Cách đây 2 năm, khi đạo diễn Rithy Panh đang lên kế hoạch làm phim, ông đã gặp gỡ một trong những nhiếp ảnh gia cao tuổi ở Campuchia, người này nói với Panh rằng ông đã từng chụp được một số cuộc hành hình dưới thời Khmer Đỏ, nhưng những bức ảnh đó đã bị thất lạc.

Nghe vậy, Panh đã cố hết sức để đi tìm lại những bức ảnh rất có ý nghĩa lịch sử đó, tuy vậy, mọi cố gắng giống như “mò kim đáy biển” và Panh không thể tìm lại những bức ảnh. Đây chính là “Bức hình đánh mất” đầu tiên góp phần tạo nên tiêu đề bộ phim.

Sau đó, Panh quyết định quay trở về thăm ngôi nhà cũ mà gia đình anh từng sống cho tới năm 1975, nhưng cảnh vật ở đó giờ đã thay đổi hoàn toàn và Panh không còn tìm lại được ngôi nhà ngày xưa nữa, đó chính là “bức hình đánh mất” thứ hai, một bức hình trong ý niệm, trong khao khát tìm lại quá khứ.

Không tìm lại được ngôi nhà cũ, Panh liền đặt hàng với một nghệ nhân địa phương, yêu cầu người này làm cho mình một mô hình ngôi nhà kiểu cổ bằng đất nung và một bức tượng khắc họa cậu bé khoảng 12-13 tuổi đứng cạnh ngôi nhà. Khi tác phẩm được hoàn thành, nhìn vào đó, Panh đã ngay lập tức nảy ra ý tưởng về những bức tượng đất nung sẽ tham gia vào bộ phim của mình.

Điện ảnh Campuchia đã có sức vươn dậy đáng kinh ngạc không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, mà còn gây "chấn động" với cả châu Á.

Đứng ngay bên cạnh Campuchia, điện ảnh Việt Nam vẫn nhỏ bé, và ngày càng lép vế. Giấc mơ Oscar sẽ vẫn còn là giấc mơ xa vời của điện ảnh Việt trong nhiều năm nữa!

Nguồn 24H: http://hn.eva.vn/di-dau-xem-gi/vi-sao-phim-cua-campuchia-duoc-de-cu-oscar-c40a171340.html